Lối rẽ hoàn lương
Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 90 km, rẽ qua con đường gồ ghề với những cánh đồng mía bạt ngàn, vượt thêm mấy đoạn cua là đến Trại giam Dak Tân. Với rất nhiều người lầm lỗi, từ lối rẽ đẫm nước mắt ấy đã đưa họ về với con đường hoàn lương…
Rộng mở cánh cửa hoàn lương
Trại giam Dak Tân đóng trên địa bàn xã Ea Pil (huyện M’Đrak) với quy mô 2 Phân trại, quản lý và giam giữ khoảng 1.700 phạm nhân. Từ ngoài nhìn vào, Trại khá khang trang, sạch sẽ và nề nếp. Khung vườn rộng rãi, thỉnh thoảng tiếng chim chuyền cành ríu ran làm dịu bớt không khí oi bức mùa nắng hạn. Sau bức tường cao và cánh cửa sắt là khoảng trời riêng dành cho phạm nhân. Rất nhiều số phận sa ngã bước qua đây, nhưng cánh cửa không hề đóng sập mà chỉ khép lại những quá khứ tội lỗi; đồng thời cũng sẵn mở ra cơ hội để phạm nhân làm lại cuộc đời. Và trên bước đường trở về làm người hoàn lương ấy, họ không hề cô độc mà luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ Trại, sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
Mỗi Phân trại đều có nhiều dãy nhà liền kề. Nền nhà và bệ nằm được lát gạch men, lau chùi hàng ngày nhẵn bóng, đầu phòng treo một chiếc tivi. Hằng ngày, phạm nhân không chỉ gấp vuông vắn chăn màn mà áo quần cũng phải xếp đặt ngăn nắp, gọn gàng… Để phạm nhân yên tâm cải tạo, mỗi nhà đều có tổ tự quản làm nhiệm vụ duy trì nề nếp, chế độ sinh hoạt, công việc hằng ngày… Cuối tuần, hàng tháng, quý đều có bình xét thi đua, kết quả cải tạo của từng phạm nhân, đây cũng là cơ sở để xem xét giảm thời hạn chấp hành án. Các cán bộ quản giáo ở Trại cho biết, mọi công tác cải tạo, giam giữ đều chấp hành đúng pháp luật, được cán bộ kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Vì vậy, hầu hết phạm nhân đều tự giác chấp hành bản án, cải tạo tốt để sớm hoàn lương.
Cán bộ Trại giam Dak Tân hướng dẫn phạm nhân học nghề cơ khí. |
Chiều xuống, chúng tôi được cán bộ quản giáo tạo điều kiện tiếp xúc với phạm nhân Lê Đình Tuấn (quê ở tỉnh Bình Dương). Tuấn sinh năm 1992, là một trong hàng trăm phạm nhân có tuổi đời còn trẻ, nhưng đã sớm vướng vào vòng lao lý. Khi còn ngồi ghế nhà trường, Tuấn bỏ bê việc học hành rồi lao vào nghiện ngập, tiêu tốn mỗi ngày khoảng 1 triệu đồng để thõa mãn “cơn khát” ma túy. Để có tiền tiêu xài, ăn chơi, Tuấn đã lao vào buôn bán trái phép chất ma túy. Và cái giá mà chàng trai tuổi đời còn non nớt phải trả là án phạt 9 năm tù… Nhìn lại chuỗi ngày lầm lỗi, Tuấn cúi mặt, giọng hối cải: “Khi buôn bán ma túy em thừa biết mình sai, nhưng không thể nào dừng lại được. Bố mẹ cũng nhiều lần khuyên bảo, cai nghiện giúp em, nhưng được ít hôm lại “ngựa quen đường cũ”. Từ ngày vào Trại, được các cán bộ quan tâm, sức khỏe của em hồi phục nhanh, không những vậy em đã cai nghiện thành công. Giờ em chỉ muốn cải tạo thật tốt để sớm trở về gia đình, báo đáp công ơn sinh thành của bố mẹ và làm lại cuộc đời”.
Hai ngày cuối tuần ở Trại khá rộn ràng. Nhiều phạm nhân chấp hành án tù trên 10 năm dài đằng đẵng là vậy, nhưng xem ra thứ 7, chủ nhật của họ cũng thật bận rộn với việc: tắm giặt, cắt tóc, chơi thể thao… Nhiều phạm nhân cũng quần cộc, mình trần xuống sân bóng chuyền “trổ tài” đánh bóng. Sau những pha bóng hay, “khán giả” đứng xung quanh cùng vỗ tay cổ vũ. Phía dãy nhà kia, có người chỉ ngồi một mình đếm những chiếc lá bàng rơi lả tả… Đối với các tù nhân, ngồi đếm thời gian là một cực hình, nên một số phạm nhân chịu khó đọc sách, báo, thỉnh thoảng họ dừng lại trước những trang sách, như ngẫm ngợi một điều gì đó… Có lẽ, tòa án lương tâm khiến họ luôn dày vò. Và duy nhất một lối thoát cho họ là học tập, cải tạo thật tốt để sớm được đặc xá về với gia đình.
Những lớp học nghề đặc biệt
Trong những năm qua, số lượng phạm nhân nhập trại ngày càng tăng, tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, công tác giam giữ, cải tạo, tổ chức cho phạm nhân học tập, lao động gặp không ít khó khăn. Dù vậy, cán bộ Trại giam Dak Tân vẫn thực hiện nghiêm túc các chế độ quy định thi hành án phạt tù, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của người thi hành án, tạo môi trường để họ phấn đấu tiến bộ. Trại luôn quan tâm, giúp phạm nhân học tập đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần. Đặc biệt là chú trọng việc tìm nghề và dạy nghề cho phạm nhân như: làm mộc, xây dựng, cơ khí, làm mi mắt giả, sản xuất giày dép… Cán bộ Trại căn cứ vào thể trạng, sức khỏe, độ tuổi để giúp phạm nhân lựa chọn nghề phù hợp. Đại tá Lương Xuân Ngợi, Giám thị Trại giam cho biết: “Trại luôn cố gắng xây dựng đội ngũ cán bộ giàu lòng yêu nghề, luôn nâng cao trình độ về văn hóa, nghiệp vụ để thực thi nghề nghiệp và cảm hóa, giáo dục người chấp hành hình phạt tù. Cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, có trách nhiệm với nghề, với những người chấp hành hình phạt tù”.
Tại xưởng dạy nghề mộc, cơ khí của Phân trại 1 luôn thường trực tiếng máy cưa, đục đẽo; không khí làm việc sôi nổi đã xua tan cảm giác về một “thế giới” khác biệt. 24 học viên tại xưởng luôn nhận được sự chỉ dạy tận tình của cán bộ quản giáo và bạn đồng cảnh ngộ. Khoảng thời gian thụ án cũng là điều kiện để phạm nhân Phạm Viết Phú (quê ở tỉnh Thái Bình) có cơ hội thực hành lại nghề mộc. Trước đây chỉ vì một phút không làm chủ được lòng tham, Phú vướng phải tội trộm cắp tài sản và buộc thi hành án phạt 18 tháng tù giam. Tuy khá lì lợm khi mới vào Trại, nhưng trước sự nghiêm khắc cộng với sự kiên trì giáo dục, cảm hóa của cán bộ trại, Phú đã tiến bộ và sớm hòa nhập. Phú cho biết: “Trước đây tôi đã được học qua nghề mộc rồi, nhưng vì ham chơi nên bỏ bê không theo nữa. Nay vào Trại được cán bộ hướng dẫn, chỉ dạy lại, tôi càng vững nghề hơn. Lớp học nghề rất có ích cho những người lầm lỡ như tôi, giúp chúng tôi có cơ hội trang bị thêm kiến thức về nghề. Ngày trở về với gia đình, tôi sẽ dựa vào đây để lao động sản xuất, lo cho cuộc sống”.
Ở xưởng mộc, cơ khí, không chỉ có Phạm Viết Phú, mà Trần Anh Ngọc (phạm tội giết người, lĩnh án 11 năm tù giam), Trần Văn Hoàng (phạm tội cố ý gây thương tích, lĩnh án 8,5 tù giam) cũng đều chung suy nghĩ: Khoảng thời gian ở Trại là lúc họ có cơ hội được nhìn lại chính mình, tĩnh tâm để suy nghĩ mọi việc từng gây ra trong quá khứ… Và cũng chính từ những lớp học đặc biệt này là hành trang mới để họ tự tin khi làm lại cuộc đời.
Trung tá Nguyễn Duy Cừ, Phó Giám thị Trại giam Dak Tân khẳng định: “Dạy nghề cho phạm nhân là hoạt động có ý nghĩa nhân văn, thiết thực. Việc được trang bị kiến thức nghề nghiệp đã tạo điều kiện để phạm nhân trong thời gian chấp hành án phạt tù tích cực học tập, lao động, cải tạo, sớm được hưởng các chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Qua đó giúp phạm nhân vượt qua mặc cảm, sớm đoàn tụ với gia đình, có nghề nghiệp ổn định lo cho cuộc sống sau này, nhất là không để xảy ra hiện tượng tái phạm”.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc