Multimedia Đọc Báo in

Ngọt ngào ngày… "cá tháng tư"

09:10, 30/04/2015
Trong cuộc sống hiện đại đầy bộn bề lo toan, lời nói thật chân tình giúp người với người gần nhau hơn, nhưng cũng cần lắm những lời nói dối hài hước, vui vẻ (mà không gây tổn hại gì cho ai) để thay đổi không khí, và ngày “cá tháng tư” (1-4) là một ngày đặc biệt được nhiều người cho phép mình nói dối gia đình, đồng nghiệp, bạn bè hay cấp trên mà không sợ bị khiển trách.

Ngày “cá tháng tư” có nguồn gốc từ phương Tây với nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng giả thuyết phổ biến nhất bắt nguồn từ cuối thế kỷ 16 khi lịch Julian được thay thế bởi lịch Gregorian. Trong lịch Julian cũ, năm mới bắt đầu từ 25 tháng 3 và ngày lễ kỷ niệm năm mới thường được tổ chức sau đó 1 tuần (tức là rơi vào khoảng 1-4). Do vậy, sau khi đổi sang lịch mới và kỷ niệm năm mới vào ngày 1 - 1, một vài người vẫn muốn ăn Tết lần thứ hai bằng cách lừa mọi người nhớ lại rằng 1 - 4 mới là ngày lễ kỷ niệm năm mới. Trong ngày đó, người đi lừa thường mời người bị lừa tới các bữa tiệc mừng năm mới không tồn tại trên thực tế.

Từ những bữa tiệc ngọt ngào không có thực đó, ngày “cá tháng tư” đã trở thành một trong những ngày đặc biệt trong năm, được giới trẻ chờ đón, nhất là lứa tuổi học trò, không chỉ nói dối bạn bè, nhà trường đổi lịch học, vặn kim đồng hồ của bạn chạy chậm, thậm chí nhiều bạn còn nói dối thầy giáo đổi phòng học từ tầng 1 lên tầng 4, để rồi ù té chạy khi đồng nghiệp của thầy phát hiện ra học sinh của mình đang nói dối thầy. Em Nguyễn Thúy Diễm, học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột cho biết, sáng 1 – 4, khi vừa bước vào lớp thì nhận được thông báo cô chủ nhiệm tìm nên em vội vàng chạy xuống phòng họp để gặp cô, nhưng không có, quay lại lớp thì các bạn cười ầm lên mới biết mình “bắt được cá”. Tương tự, em Trần Hồng Quân, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du chia sẻ, như thường lệ, nghe chuông báo thức là em ù dậy để đánh răng, rửa mặt đi học vừa kịp giờ vào lớp, nhưng sáng 1 – 4 vừa rồi, đồng hồ đeo tay điểm 7 giờ nhưng sân trường vẫn vắng, đem thắc mắc với bác bảo vệ mới biết đồng hồ của mình nhanh hơn 1 tiếng. Đến giờ ra chơi, thấy nhóm tụi bạn thân trong lớp cười nói thì thầm, hỏi ra mới biết mình bị chơi khăm. Chị Đỗ Thị Quỳnh Nga, nhân viên một công ty truyền thông trên đường Phan Chu Trinh vui vẻ nói rằng, “cá tháng tư” là một ngày đặc biệt, nếu bạn bè của bạn là những người hài hước, còn bạn lại quên mất ngày cá tháng tư thì ngày đó sẽ là… thảm họa của bạn khi lần lượt bị hết người này đến người kia… lừa! Năm 2007, khi đang đi chơi vui vẻ với đám bạn cùng xóm trọ thì chị nhận được điện thoại của bạn cùng lớp về buổi thực hành nhóm kỹ thuật dựng phim, tất tả chạy 15 km về trường, lên phòng thực hành nhưng không thấy ai ở lớp mới biết mình bị lừa, vừa mệt vừa tức nhưng chỉ biết cười xòa..., cá tháng tư mà!

Với nhiều người, “cá tháng tư” là dịp để lừa hoặc chơi khăm ai đó mà không sợ bị giận dỗi hay mắng mỏ thì với một số bạn nam, ngày này lại là dịp đặc biệt để bày tỏ cảm xúc với người mình yêu thương. Nếu nhận được nụ cười bẽn lẽn, má ửng hồng thì tiếp tục cuộc tình, nếu cảm thấy lời tỏ tình không đến được với trái tim người ấy thì nhanh chóng chữa cháy bằng cái cười xòa “đùa tí thôi, cá tháng tư mà!”.

Những lời nói dối, trò đùa vô hại của ngày 1 - 4 đã lan tỏa niềm vui cho nhiều người và những “con cá tháng tư” (những người bị lừa) lại chờ đợi mùa cá mới để “phục thù”. 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc