Những người nặng nợ với... voi!
Giải cứu voi rừng bị thương trong rừng sâu; phẫu thuật, chữa trị và chăm sóc voi như một “bệnh nhân” đặc biệt là một trong những công việc khó khăn, đòi hòi sự kiên trì của những người đang làm công việc bảo tồn loài động vật quý hiếm này.
Đón tết giữa rừng để cứu voi
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn kể lại: Vào dịp giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, lực lượng kiểm lâm trạm 6 của Vườn phát hiện một con voi rừng tách đàn đi theo voi nhà tại Tiểu khu 471 có dấu hiệu bị thương nên đã báo với lãnh đạo Vườn tìm phương án cứu chữa. Dù đang trong thời gian nghỉ tết, nhưng xác định cứu voi là nhiệm vụ quan trọng, nên đơn vị đã tiến hành theo dõi cá thể voi bị thương và báo với Trung tâm bảo tồn voi. Thế là trong những ngày tết, thay vì được nghỉ ngơi vui chơi, lực lượng chức năng phải bám rừng, theo dõi voi, đưa thức ăn nước uống cho voi vì đang là mùa khô nên thức ăn và nước uống trong rừng rất khan hiếm. Sau một thời gian ngắn dõi, ngày 19-2 (mùng 3 tết) phương án dùng voi nhà khống chế đưa con voi bị thương về khu vực rừng gần với trụ sở Vườn để điều trị vết thương đã được triển khai.
Cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi cho voi ăn. |
Là đơn vị có nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc, điều trị bệnh cho voi, Trung tâm bảo tồn voi khi nhận được tin báo có voi rừng đực, khoảng 4 tuổi, nặng khoảng 500 kg bị thương, đã cử ngay cán bộ chuyên môn vào hiện trường mang theo nhiều thuốc men và các phương tiện, y cụ cần thiết để điều trị cho voi. “Chúng tôi phải chuẩn bị điều kiện tốt nhất để điều trị cho voi, bởi sau nhiều ngày ở trong rừng, vết thương ngày càng nặng nếu không điều trị kịp thời thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của voi. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để cán bộ của trung tâm nâng cao trình độ thực tế, kinh nghiệm trong chữa trị và chăm sóc voi rừng ”, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi chia sẻ. Khi mới đưa về, vết thương ở chân voi bị nhiễm trùng nặng và đang hoại tử, một phần vòi bị thủng. Trung tâm đã liên hệ với các chuyên gia của Tổ chức động vật Châu Á tại Việt Nam để được giúp đỡ, tiêm thuốc gây mê, phẫu thuật hút mủ, cắt bỏ những phần bị hoại tử và điều trị bằng kháng sinh…
Chăm sóc “bệnh nhân” đặc biệt
Dưới cái nắng nóng như chảo rang của rừng khộp mùa khô, 4 cán bộ của Trung tâm bảo tồn voi vẫn miệt mài với công việc theo dõi, chăm sóc chú voi rừng bị thương. Một cái lán nhỏ được che chắn sơ sài bằng những tấm bạt, bên trong chỉ có một chiếc giường là nơi nghỉ ngơi cho các cán bộ trung tâm túc trực ngày đêm ở đây để cứu voi.
Cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi đang chăm sóc voi rừng bị thương. |
Anh Phạm Văn Thịnh, cán bộ thú y của Trung tâm cho hay, voi con lúc mới đưa về sức khỏe tuy yếu nhưng tỏ ra khá hung dữ, lại có cặp ngà rất nhọn nên dễ gây nguy hiểm cho bác sĩ thú y điều trị cho nó, do đó, mỗi lần tiêm thuốc kháng sinh các nhân viên của trung tâm phải buộc voi hoặc dùng voi nhà để kiểm soát mới tiêm được. Ngoài ra, người ta còn phải nhét thuốc chống viêm vào trong thức ăn cho voi ăn chứ không thể trực tiếp cho voi uống thuốc được. Sau hơn một tháng điều trị bằng kháng sinh, sức khỏe của voi đã có những tiến triển tốt, vết thương ở vòi đã lành hẳn, vết thương ở chân đã bớt sưng. “Ngoài việc điều trị cho voi theo phương án đã đề ra, chúng tôi thường xuyên trao đổi với một chuyên gia động vật hoang dã trên thế giới bằng Email chia sẻ bệnh tình của voi, để nhận những chia sẻ của họ về việc chữa trị, chăm sóc, cố gắng tìm những phương pháp tốt nhất để điều trị cho voi mau chóng lành vết thương”, anh Thịnh cho biết thêm.
Cứ mỗi buổi trưa, anh Cao Xuân Ninh, chuyên viên của Trung tâm lại hì hục chặt chuối cho voi ăn, và chú voi bị thương nay đã có thể ăn uống bình thường, thức ăn mà chú yêu thích nhiều lắm, trong đó có chuối, cỏ, bắp non, khoai lang... Mỗi ngày, ngoài cỏ tự lấy trong rừng về, trung tâm còn bỏ ra 250 nghìn đồng để mua thức ăn cho voi. Khi mới đưa về, do voi còn yếu nên các cán bộ trung tâm phải chuẩn bị rất nhiều loại thức ăn, nhưng voi bị thương chỉ ăn một số loại trong đó. Riêng cỏ, voi chỉ ăn loại cỏ lấy từ rừng tự nhiên, không ăn các loại cỏ trồng. Do đang ở cao điểm mùa khô nên việc tìm cỏ hết sức khó khăn, Trung tâm phải cử hai cán bộ mỗi ngày dành ra 3-4 tiếng đồng hồ vào rừng cắt cỏ về cho voi. Do cỏ ngày càng khan hiếm nên họ phải đi bộ dọc bờ suối tìm những bãi cỏ non, có khi phải đi xa gần 10 km mới tìm được cỏ, mỗi ngày phải cắt được 2 bao để đảm bảo khẩu phần ăn cho voi. Hằng ngày, cứ 2 tiếng lại cho voi ăn một lần và 5 lần xịt thuốc để rửa vết thương ở chân voi tránh nhiễm trùng, tối đến, các cán bộ ở đây phải thay nhau trực đêm cho voi ăn, nếu ngủ quên thì sẽ bị đánh thức bởi những tiếng rống đòi ăn của voi. Anh Đinh Hữu Hùng, Trưởng Phòng Tổ chức Trung tâm bảo tồn voi không giấu được xót xa: Mỗi lần cho voi uống nước, anh em thấy thương tâm lắm, bởi khi voi hút nước đến đoạn vòi bị thủng do dính bẫy, nên phần lớn nước bị lọt hết ra ngoài, còn chiếc chân bị thương, có lẽ do ngứa nên thường xuyên phải dùng chân lành để gãi...
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc