Multimedia Đọc Báo in

Bản lĩnh người lính trong thời bình

09:52, 27/05/2015

Sau những năm tháng cống hiến tuổi trẻ để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trở về với cuộc sống đời thường, những người lính Cụ Hồ ở xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột vẫn nhiệt tình tham gia vào các công tác xã hội, đặc biệt là lĩnh vực phát triển kinh tế, xứng đáng là những tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Những năm qua, phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” đã góp phần thúc đẩy cán bộ, hội viên giữ vững và phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, khơi dậy tình đồng chí, đồng đội đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Nhiều hội viên trên địa bàn xã đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đơn cử như cựu chiến binh Phạm Mạnh Hùng (thôn 1), với sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó ông đã tạo dựng cuộc sống gia đình ngày càng khá giả nhờ mô hình trồng tiêu. Những ngày đầu mới lập nghiệp, chỉ với 5 sào đất ông Hùng đã quyết định chọn cây tiêu để phát triển kinh tế. Có những năm, tiêu rớt giá, người dân trong vùng đua nhau chuyển đổi sang trồng cà phê, hoa màu thì ông vẫn kiên trì bám trụ với loại cây này. Đến nay, ông đã đầu tư, phát triển diện tích trồng tiêu lên đến 1,5 ha. Với kinh nghiệm từ những kiến thức đọc được qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng, đến các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật của hội nông dân, trạm khuyến nông, vườn tiêu của gia đình ông Hưng luôn được chăm sóc đúng kỹ thuật, phát triển tốt, mỗi năm sau khi đã trừ hết chi phí cho thu lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng. Nhờ kinh tế ổn định, 4 người con của ông đều được tạo điều kiện học hành thành đạt. Ông Hùng phấn khởi nói: “Những năm tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường ác liệt đã bồi thêm sức mạnh, ý chí nên dù khó khăn, vất vả đến đâu đi nữa thì những người lính Cụ Hồ chúng tôi sẽ không hề nản chí mà càng cố gắng để vươn lên”.

Vườn tiêu của gia đình cựu chiến binh Phạm Mạnh Hùng  đang trong thời kỳ cho thu hoạch.
Vườn tiêu của gia đình cựu chiến binh Phạm Mạnh Hùng đang trong thời kỳ cho thu hoạch.

Trong ngôi nhà khang trang được xây dựng từ năm 2000, vợ chồng ông Trần Văn Xanh (thôn 4) không giấu niềm vui khi kể về cuộc sống gia đình giờ không còn phải lo cái ăn, cái mặc mà đã khá giả hơn nhiều. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, vợ chồng ông đã trải qua bao khó khăn, gian khổ từ việc đi làm công nhân ở Trại giống lúa Hòa Xuân đến việc thuê đất trồng trọt, chăn nuôi… Bản tính cần cù, chịu khó của người lính đã hằn sâu trong máu thịt của ông, đến bây giờ vẫn chưa chịu nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già mà vẫn tất bật với công việc chăn nuôi, trồng trọt với gần 10 ha đất trồng các loại cây. Cũng từ mô hình đa canh này mà nhiều năm nay ông đã giúp hàng chục lao động ở địa phương có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định . “Tôi không dám nhận mình làm kinh tế giỏi bởi trong cuộc sống còn có rất nhiều người làm tốt hơn mình. Còn nhớ những năm mới rời quê hương Bắc Ninh vào Dak Lak lập nghiệp, cuộc sống của gia đình tôi hết sức khó khăn, nhưng nhìn thấy đất đai trù phú, bạt ngàn tôi nghĩ mình chỉ cần chịu khó làm ăn nhất định sẽ có ngày thành công. Quả thật, mồ hôi, công sức mình bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Hiện tôi đang canh tác 1,5 ha lúa nước; 2,6 ha trồng hoa màu; 2 ha cà phê và tiêu; 2,8 ha ao hồ nuôi cá với tổng nguồn thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng”,  ông Xanh khiêm tốn nói.

Cũng như ông Hùng, ông Xanh, các cựu chiến binh Nguyễn Đình Đài (thôn 4) với mô hình trồng cà phê và tiêu trên diện tích gần 1,5 ha; ông Nguyễn Văn Đại (thôn 3) với trang trại chăn nuôi heo khép kín trên diện tích 1.000 m2, số lượng  nuôi 1.200 con…, luôn được người dân và đồng đội nể phục vì tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu và gương mẫu trong cuộc sống. Điều đáng nói ở đây là dù bận rộn với hoạt động sản xuất, chăn nuôi, song những cựu chiến binh này vẫn luôn dành thời gian tham gia sinh hoạt Hội, tích cực ủng hộ các hoạt động từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ vốn, kinh nghiệm cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong phát triển kinh tế. Ông Hoàng Biên Thùy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xuân cho biết: “Từ phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, đời sống của hội viên cựu chiến binh xã Hòa Xuân đã từng bước được nâng lên. Toàn xã hiện có 204 hội viên cựu chiến binh nhưng số hộ nghèo đến nay chỉ còn 1 hộ, riêng hộ giàu và khá chiếm trên 50% (107 hộ). Qua đó, góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.