Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Cư Kuin: Chú trọng giải quyết việc làm sau đào tạo

13:48, 20/05/2015

Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm là hướng đi chủ đạo trong thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của huyện Cư Kuin. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Học đi đôi với hành

Lúc còn trẻ, bà H’Drơk Hmok ở buôn Ea H’luk (xã Ea Tiêu) đã được mẹ dạy cho nghề dệt thổ cẩm nhưng sau khi lập gia đình, mải lo toan việc nhà và chăm sóc con cái nên bà dần quên hết các kỹ thuật dệt. Năm 2013, khi Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Kuin về địa phương tổ chức lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, bà đã đăng ký tham gia. Sau 3 tháng học, nhờ được giáo viên chỉ dạy, hướng dẫn tận tình, bà đã có thể dệt được các hoa văn khó, may được cả áo, chăn, váy… theo đơn đặt hàng. Bà H’Drơk cho biết: “Trước đây, những lúc nông nhàn, chị em phụ nữ trong buôn hầu như đều thất nghiệp. Từ khi tham gia học nghề dệt thổ cẩm, nhiều người đã có thể kiếm thêm thu nhập khoảng 500.000 đồng/tháng, cải thiện đời sống. Nhưng cái được lớn hơn là nhờ lớp dạy nghề này, nhiều buôn đã lưu giữ được nghề dệt truyền thống đang dần bị mai một”.

Học viên tham gia lớp giáo dục định hướng nghề nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Kuin trước khi đi xuất khẩu lao động.
Học viên tham gia lớp giáo dục định hướng nghề nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Kuin trước khi đi xuất khẩu lao động.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn An Bình ở thôn Mới (xã Hòa Hiệp) chăn nuôi heo nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống nên chủ yếu là lấy công làm lãi, gặp phải những năm có dịch bệnh hoặc giá cả đầu ra xuống thấp thì kể như trắng tay. Năm 2012, khi cán bộ Trung tâm Dạy nghề huyện về địa phương tuyên truyền, tuyển sinh học nghề, anh đã đăng ký tham gia. Sau 3 tháng học nghề chăn nuôi thú y, anh mạnh dạn vay mượn thêm vốn phát triển mô hình chăn nuôi hộ gia đình lên thành trang trại khép kín, có hệ thống máng ăn, uống tự động, xử lý chất thải bằng hầm biogas. Anh Bình đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình chọn con giống, chăm sóc, phòng trừ bệnh cho đàn heo và mạnh dạn phát triển đàn lên 20 heo nái, 100 heo thịt. Nhờ chủ động tiêm phòng dịch bệnh, biết cách phối trộn thức ăn tổng hợp nên tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian nuôi, đàn heo phát triển khỏe mạnh, lợi nhuận tăng cao, mỗi năm gia đình anh có lãi khoảng 200 triệu đồng. Không những vậy, anh Bình còn là thành viên tích cực của Ban thú y xã tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. “Trong quá trình phát triển trang trại, mỗi khi “bí” ở một khâu nào đó, tôi lại được cán bộ, giáo viên Trung tâm nhiệt tình hướng dẫn qua điện thoại hoặc đến tận nơi thực hành nên dần dần cũng thành thạo mọi công đoạn”, anh Bình cho hay.

Bà H’Drơk Hmok ở buôn Ea H’luk (xã Ea Tiêu) đang truyền nghề lại cho con gái.
Bà H’Drơk Hmok ở buôn Ea H’luk (xã Ea Tiêu) đang truyền nghề lại cho con gái.

Anh Nguyễn Duy Trí, giáo viên nghề chăn nuôi thú y cho biết: “Học viên tham gia các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn thường có độ tuổi, trình độ khác nhau nên khả năng tiếp thu kiến thức không đồng đều. Do vậy, để họ nắm vững nghề được học thì giáo viên phải trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, nghĩa là mỗi khi học xong từng phần lý thuyết, giáo viên cùng với học viên của lớp đi đến tận trại chăn nuôi nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn cụ thể trên vật nuôi. Sau đó, lớp sẽ được chia nhóm để người học trực tiếp tìm hiểu, thực hành… rồi đối chiếu kết quả. Những công đoạn chưa thành thạo sẽ được giáo viên hướng dẫn lại nên từng học viên dễ nắm bắt kỹ thuật và nhớ lâu hơn”.

Linh hoạt giải quyết việc làm sau đào tạo

Theo ông Đỗ Đình Tuyến, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện, để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tăng cường hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm bằng nhiều hình thức; tiến hành điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; xây dựng các mô hình dạy nghề hiệu quả… Ngoài những lớp dạy nghề phi nông nghiệp bắt buộc phải tổ chức ngay tại Trung tâm, còn các lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi đa số được đưa về thôn, buôn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đăng ký học. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, Trung tâm chú trọng thực hiện phương châm “trăm nghe không bằng một thấy”, chỉ dành khoảng 30% thời gian dạy lý thuyết, còn lại tổ chức thực hành theo từng công đoạn để học viên nắm vững nghề được học. Nhờ vậy, sau 5 năm (2010-2014) thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, huyện Cư Kuin đã tổ chức được 37 lớp đào tạo nghề chăn nuôi heo, trồng và chăm sóc ca cao, may dân dụng, may công nghiệp, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy nông nghiệp cho 1.225 lao động nông thôn.

Bà H’Bliăk Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án huyện cho biết: “Xác định công tác giải quyết việc làm sau đào tạo là yếu tố quan trọng khẳng định sự thành công của Đề án, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động ký kết hợp đồng tuyển dụng lao động đối với các nghề may dân dụng, công nghiệp, xây dựng và định hướng xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, UBND huyện đã thành lập đoàn gặp gỡ trực tiếp các công ty, doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP. Hồ Chí Minh để nắm tình hình lao động, việc làm, nơi ăn, ở và sự quan tâm của công ty đối với người lao động. Đồng thời, lãnh đạo UBND huyện đã đi cùng công ty tuyển dụng lao động sang Malaysia để thăm và động viên 300 lao động người dân tộc thiểu số đang làm việc tại đây”.

Nhờ cách làm linh hoạt trên, các học viên sau đào tạo nghề đã biết áp dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Nhiều người đã được các doanh nghiệp tuyển dụng, đi làm việc ở nước ngoài hoặc tự tạo được việc làm mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 21,7% năm 2010 (theo tiêu chí cũ), xuống còn 7,36% năm 2014 (theo tiêu chí mới).

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.