Multimedia Đọc Báo in

Để công trình cấp nước xã Ea Kpam phát huy hết hiệu quả: Rất cần sự hợp tác của người dân

08:56, 25/05/2015
Tuy đã đi vào hoạt động được gần 5 năm nhưng đến nay, công trình cấp nước (CTCN) tập trung xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) mới chỉ có khoảng 50% số hộ (so với công suất thiết kế) đăng ký đấu nối sử dụng nước. Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

CTCN tập trung xã Ea Kpam do Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng gần 5,2 tỷ đồng, được hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2011, giúp nhiều hộ dân có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Từ năm 2013 trở về trước, gia đình anh Bùi Đình Phượng ở thôn Tân Lập sử dụng nước giếng cho mọi sinh hoạt hằng ngày. Nhưng vào mùa khô, giếng thường cạn nước, thêm vào đó, do mật độ dân cư ngày càng đông, chuồng trại chăn nuôi xung quanh nhiều, nguồn nước giếng không còn bảo đảm vệ sinh nên gia đình anh quyết định vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đóng 1,5 triệu đồng kinh phí đấu nối. Anh Phượng cho biết: “Nhờ đăng ký sử dụng nước từ CTCN tập trung, gia đình tôi không còn lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, nguồn nước lại bảo đảm vệ sinh, tốt cho sức khỏe. Nước giếng tuy vẫn còn nhưng chỉ dùng để lau nhà, rửa xe, còn nước sạch sử dụng cho mọi sinh hoạt khác”. Tương tự, ngay sau khi công trình đi vào hoạt động, gia đình chị Nguyễn Thị Bình (thôn Tân Lập) đã đăng ký đấu nối. Chị Bình lập luận: “Nhà tôi có 4 người, sử dụng nước sạch cho mọi sinh hoạt cũng chỉ hết khoảng 80.000 đồng/tháng nhưng rất tiện lợi, vặn vòi là có nước lại không lo mắc bệnh do nguồn nước bị ô nhiễm như trước. Nếu dùng nước giếng thì tiền điện bơm nước cũng tốn nhiều mà nguồn nước chưa chắc đã hợp vệ sinh”. Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải tất cả các hộ đều có chung suy nghĩ như vậy, bởi trên thực tế, đến nay mới chỉ có 200 hộ của 4 thôn 1, 2, 8 và Tân Lập đăng ký kết nối sử dụng nước sạch (đạt khoảng 50% công suất thiết kế). Đơn cử như gia đình chị Phan Thị Hương (thôn Tân Lập). Mặc dù nhà ở gần công trình và đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký kết nối. Chị Hương lý giải: “Gia đình tôi đã có giếng và bồn chứa đủ nước cho sinh hoạt thì không cần thiết phải bỏ ra cả triệu đồng để đấu nối nước sạch. Hơn nữa, chúng tôi dùng nước giếng mấy chục năm nay có bị sao đâu, đến khi nào giếng cạn nước, không còn nạo vét được nữa mới tính đến chuyện đăng ký sử dụng”.

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar)  được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 5,2 tỷ đồng.
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 5,2 tỷ đồng.

Theo anh Bùi Lê Hoàn, Quản lý CTCN tập trung xã Ea Kpam, nguyên nhân của tình trạng trên là do người dân chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Mặc dù ngay sau khi công trình đi vào hoạt động, cán bộ Phòng Truyền thông của Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh cùng lãnh đạo, các đoàn thể UBND xã đã nhiều lần tổ chức họp dân tuyên truyền về công trình và lợi ích của việc sử dụng nước sạch đối với sức khỏe, nhưng nhận thức của người dân vẫn không thay đổi. Nhiều người cho rằng chi phí đấu nối cao, nước lại có mùi clo gây cảm giác khó chịu, trong khi hầu hết các gia đình đều có sẵn giếng đào nên không cớ gì bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy để dùng nước máy. Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp dân tuyên truyền, giải thích về quy trình xử lý nguồn nước; cung cấp bảng giá vật tư đấu nối nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Trung tâm nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh cho rằng, trong khi ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh người dân không có đủ nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng thì ở đây, nhiều hộ lại tỏ ra “thờ ơ” với CTCN tập trung. Với số hộ đăng ký kết nối thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế (480 m3/ngày/đêm) như hiện nay đã và đang gây lãng phí lớn cho công trình. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Trung tâm, ban quản lý công trình và chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, tổ chức họp từng cụm dân cư, vận động thêm nhiều cán bộ, đảng viên đăng ký sử dụng. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hộ được vay vốn đầu tư kết nối. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là nhận thức của người dân trong việc thay đổi thói quen sử dụng nước, điều này không chỉ phát huy hết công suất, hiệu quả của công trình mà quan trọng nhất là bảo đảm vệ sinh, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc