Đồ ký gửi: Cũ người mới ta
Mới xuất hiện không bao lâu, dịch vụ ký gửi hàng hóa đã qua sử dụng tại Buôn Ma Thuột thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đây là mô hình kinh doanh mà cả hai bên (người ký gửi và người bán) đều có lợi, còn khách hàng sẽ có cơ hội săn được những món hàng độc, lạ mà giá lại rẻ.
Kinh doanh theo mô hình này không cần đầu tư nhiều, thậm chí không cần vốn, căn bản là tìm được địa điểm thích hợp, mặt bằng rộng để làm nhà kho chứa và trưng bày hàng hóa. Bất kỳ sản phẩm nào mà chủ nhân của nó mang đi ký gửi, người bán cũng sẽ nhận hàng theo tiêu chí dễ nhìn, giá rẻ, riêng đối với quần áo thì quan trọng nhất là hàng chưa bị lỗi mốt. Hiện nhiều người ở TP. Buôn Ma Thuột không còn quá bỡ ngỡ với kiểu kinh doanh này nữa, các kho hàng ký gửi trên đường Hùng Vương, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn An Ninh… thu hút lượng khách đến gửi hàng hóa và mua sắm tương đối nhộn nhịp.
Khách chọn đồ tại kho ký gửi trên đường Hùng Vương, TP. Buôn Ma Thuột. |
Nhà kho ký gửi của chị Lâm Thị Hà (188 Hùng Vương, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những mô hình kinh doanh ký gửi đầu tiên tại Buôn Ma Thuột. Nơi đây đã trở thành điểm môi giới, giúp việc thanh lý những món đồ “cũ người mới ta” đến tay người cần không mất quá nhiều thời gian mà giá cả lại hợp lý. Hiện chị đã có lượng người ký gửi đông đáng kể, kho hàng lên đến hàng ngàn sản phẩm, từ quần áo, giày dép, túi xách cho đến ti vi, tủ lạnh, bộ bàn ghế… với đủ loại giá cả, từ 10.000 đến vài triệu đồng. Mỗi món hàng được bán đi, chị nhận thù lao của khách 15% và một tháng sẽ trả lại hàng không bán được cho người ký gửi một lần. Theo chị Hà, kinh doanh theo hình thức này chẳng lo lỗ bao giờ, thậm chí không cần bỏ nhiều vốn (chỉ tốn tiền thuê, trang trí mặt bằng). Ưu điểm dễ thấy nhất ở loại hàng này là giá rẻ, nếu không muốn nói là rất rẻ, và người mua cũng dễ dàng săn được những món hàng độc và lạ mắt. Bởi hàng ký gửi cũng có những món còn rất mới, thường là quần áo chỉ qua một vài lần giặt, thậm chí, có những món đồ mà chủ nhân của nó chưa dùng lần nào, lâu dần họ không còn thích nữa nên đem đi ký gửi. Do đó, việc “mua của người chán, bán cho người cần” luôn có sức hút với nhiều người, trong đó, quan trọng là người nhận ký gửi phải bảo đảm giao trả hàng đúng hẹn, khi hàng bán được thì phải gọi chủ nhân đến để nhận tiền “liền tay”, cam kết giữ uy tín để người ta tin tưởng ký gửi tài sản cho mình.
Tuy nhiên, do đây là mô hình kinh doanh quá mới mẻ nên lúc mới khởi nghiệp chị Hà đã gặp không ít khó khăn, vì hầu hết khách hàng đều chưa hiểu hàng ký gửi là gì nên ban đầu chị vừa phải huy động người thân, bạn bè, chỗ quen biết… tìm kiếm nguồn hàng, vừa quảng bá cho khách hàng biết. Mọi việc từ tư vấn tại cửa hàng đến phát tờ rơi, lên mạng xã hội… để quảng bá về nhà kho của mình đều được chị thực hiện triệt để. Chỉ sau một thời gian, điểm kinh doanh của chị đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều người, nhất là giới trẻ đến mua sắm hoặc ký gửi hàng hóa. Có tháng, kho không còn chỗ để trưng bày hàng ký gửi, và trung bình mỗi ngày, chị cũng bán được vài chục sản phẩm.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu thì hàng ký gửi càng có sức hút, nhất là đối với khách hàng có mức thu nhập vừa phải. Chị Nguyễn Thanh Ngân (phường Tân An) một tín đồ săn hàng ký gửi cho hay, đến các kho hàng, thích nhất là săn được những món hàng đẹp, rẻ do chủ nhân của nó cảm thấy không cần thiết nữa nên đem ký gửi. Thêm vào đó, khách hàng có thể vừa là người mua cũng vừa là người mang hàng đến ký gửi nên khá hấp dẫn...
Tuy tiện lợi là vậy, nhưng tham gia ký gửi hàng hóa cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì hầu hết là đồ đã qua sử dụng nên khi ký gửi, chủ nhà kho chỉ đưa biên nhận cho người ký gửi, chờ khi hàng được bán đi, sẽ gọi điện cho chủ hàng đến lấy tiền. Do đó, người ký gửi cũng cần thận trọng tìm địa chỉ tin cậy để ký gửi, còn khách hàng có nhu cầu mua cũng nên xem xét kỹ lưỡng chất lượng của món hàng trước khi quyết định chọn mua, tránh tình trạng ham rẻ, mua phải hàng đã qua sửa chữa nhiều lần, mang về không dùng được…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc