Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drak trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng

09:49, 27/05/2015
Trong những ngày qua, nắng hạn kéo dài khiến nhiều gia đình trên địa bàn huyện M’Drak thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Nhiều ngày nay, gia đình ông Nguyễn Lục Huế (ở Tổ dân phố (TDP) 11, thị trấn M’Drak) đã phải đi xin từng xô nước của hàng xóm để dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Giếng nước của gia đình ông Huế có chiều sâu khoảng 8 m, những năm trước đây, vào mùa khô hạn, thông thường lượng nước còn khoảng 1-1,5 m bảo đảm nhu cầu sinh hoạt cho 2 khẩu trong gia đình. Năm nay, nắng nóng đến sớm và kéo dài nên mặc dù đã sử dụng nước rất tiết kiệm nhưng đến cuối ngày ông bà vẫn phải đi xin nước của bà con trong khu dân cư mới đủ dùng. Ông Huế lo lắng: Thời tiết cứ nắng nóng, khô hạn kéo dài thế này thì giếng nước của gia đình sẽ chỉ còn trơ đáy.

Cũng như gia đình ông Huế, những ngày qua, nhiều hộ dân khốn đốn, chống chọi với cái nắng như đổ lửa đầu mùa hè, nước giếng đào ở độ sâu hàng chục mét nhưng đang dần khô kiệt. Thực trạng thiếu nước sinh hoạt đã từng xảy ra từ nhiều năm qua tại TDP 11 nói riêng, huyện M’Drak nói chung, nhưng năm nay là căng thẳng nhất. Giếng cạn nước, nhiều gia đình đã tính đến phương án khoan, đào giếng mới sâu hơn để có nguồn nước sinh hoạt lâu dài, một số hộ khác phải đi xin nước giếng của các hộ dân xung quanh. Bà Kiều Thị Bích Luyến, Tổ phó TDP 11, thở dài: “Thời điểm này các năm trước, nước sinh hoạt ở nhiều hộ  vẫn còn khá dồi dào, nhưng năm nay, đầu mùa mà nước ở các giếng đã cạn đáy, cứ tình trạng này thì nguy cơ thiếu nước sinh hoạt sẽ rất nghiêm trọng trong mùa khô (Do đặc trưng của khí hậu huyện M’Drak, mùa khô và mùa mưa thường đến muộn hơn so với các địa bàn khác trong tỉnh)”.

Vì thiếu nước sinh hoạt, bà Trần Thị Ngọc (TDP 11, thị trấn M’Drak) phải huy động  các vật dụng chứa nước dự trữ và tái sử dụng nước rửa rau hằng ngày.
Vì thiếu nước sinh hoạt, bà Trần Thị Ngọc (TDP 11, thị trấn M’Drak) phải huy động các vật dụng chứa nước dự trữ và tái sử dụng nước rửa rau hằng ngày.

Hạn hán kéo dài khiến mạch nước ngầm giảm sút. Hệ thống nước tự chảy cũng không còn đủ khả năng cung cấp cho người dân trên địa bàn huyện M’Drak. Ông Nguyễn Văn Lam, Chủ nhiệm HTX Kinh doanh dịch vụ điện – nước cho biết: Theo thiết kế ban đầu, công trình nước sạch do HTX quản lý cung cấp nước cho 930 hộ dân tại địa bàn thị trấn M’Drak, xã Krông Jing và xã Ea Hmlay, tuy nhiên, trên thực tế lượng nước chỉ cấp được cho 542 hộ dân bởi nguồn nước sạch cung cấp cho hệ thống được lấy từ núi Chư Pah (xã Krông Jing) hiện nay không bảo đảm vì diện tích rừng tự nhiên gần đây dần dần bị thu hẹp, không còn thảm thực vật để dự trữ nước mỗi khi mùa mưa đến. Do vậy, qua các năm, tổng sản lượng nước cung cấp cho nhân dân địa phương bị giảm dần: năm 2012, tổng sản lượng nước là 145.138 m3, năm 2013 là 135.760 m3, giảm 6,4% so với năm 2012. Đến năm 2014, lượng nước cung cấp cho người dân là 131.880 m3, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2013 và chỉ đạt 50-65% so với thiết kế ban đầu. Trong 3 tháng đầu năm 2015, toàn huyện M’Drak tiêu thụ 33.231 m3 nước hệ thống, trong đó: xã Ea Hmlay 179 hộ đã lắp đặt hệ thống nước sạch chỉ đạt 50% số lượng đăng ký với khoảng 2.739 m3/tháng, xã Krông Jing và thị trấn M’Drak 355 hộ dân sử dụng nước tự chảy, đạt 70% số lượng đăng ký với khoảng 9.131 m3 nước/tháng, trong khi thực tế, nhu cầu tiêu thụ nước sạch hệ thống của người dân gấp khoảng 4 lần.            

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.