Lên rừng cai nghiện và thành chủ trại mía
Nhiều lần cai nghiện nhưng về nhà lại tái nghiện, chàng trai Nguyễn Hữu Phước (SN 1987) ở thôn 6, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) quyết tâm rời bỏ “cái chết trắng”, lên rừng tu chí, trở thành ông chủ vựa mía có tiếng vùng Ea Súp.
Vốn là một cậu bé hiền lành nhưng… lười học, đến năm lớp 9 Phước quyết định bỏ chữ theo nghề cơ khí. Học nghề được 3 năm, anh nghỉ ở nhà phụ làm bánh mì, lái xe bỏ hàng cho gia đình. Có chút vốn trong tay, năm 2009 Phước tự mở quán cà phê để kiếm thêm thu nhập. Doanh thu mỗi ngày vài triệu đồng cộng thêm tính “thoáng” khiến anh trở thành “miếng mồi thơm” cho bọn nghiện “thả câu”. Hứng chí “thử một lần thôi, rồi lần nữa”, Phước nhanh chóng bị cuốn vào ma túy, trở thành nô lệ của “cái chết trắng” lúc nào không hay. Đến khi kinh tế kiệt quệ, nợ nần chồng chất, ba mẹ suy sụp, tơ duyên sắp đứt vì gia đình bạn gái ngăn cấm, anh vào trại, quyết tâm cai nghiện. Nói thì dễ, làm được mới khó, ra trại Phước lại “ngựa quen đường cũ”. Nghe lời khuyên của anh trai, Phước khăn gói đến Tuy Đức (Dak Nông) tự cai nghiện. Cai được vài tháng, về thăm nhà, anh bị bọn xấu rủ rê sa chân thêm lần nữa. Phước lại quay về rừng tự cai tiếp.
Anh Phước đi thăm ruộng mía. |
Đến cuối năm 2011 cai nghiện thành công, anh không dám về nhà vì sợ “ma trắng” bám đuổi. Một lần Phước theo xe chở hàng nông cụ cho vựa mía xã Ea Bung (huyện Ea Súp), sức hút vùng biên đã níu chân chàng trai đang khát khao làm lại cuộc đời. Anh thuyết phục ba mẹ gom tiền, vay ngân hàng mua đất trồng mía. Thấy con thay đổi, cả gia đình mừng rỡ tán thành, cậu em trai Nguyễn Hữu Tài cũng nằng nặc theo phụ giúp anh. Với quyết tâm “Không gì là không thể, mình đã đến đây là phải làm nên cơm cháo, chứ không để mọi người thất vọng thêm một lần nào nữa”, dù khó khăn, nhọc nhằn, Phước vẫn quyết tâm bám trụ ruộng mía nơi vùng biên, thỉnh thoảng mới ghé nhà một lần. Sau một năm dầm sương dãi nắng, “đất không phụ công người”, mảnh đất sỏi đá ngày nào đã phủ màu xanh của mía. Thời tiết thuận lợi, mía tốt bán được giá, vụ đầu thắng lớn, anh thu ngót 1 tỷ đồng. Trả xong chi phí đầu tư, số còn lại anh mua thêm đất mở rộng diện tích.
“Tích tiểu thành đại”, giờ đây Phước có trong tay 48 ha mía, trở thành ông chủ trẻ có vựa mía lớn nhất vùng Ea Súp. Thành công của anh đã xóa tan mọi dè bỉu, khinh miệt của nhiều người về quá khứ lầm lỡ. Anh chính thức nên duyên với cô gái từng bị gia đình ngăn cản trong sự chúc mừng của hai họ và mọi người xung quanh. Niềm vui nhân đôi khi vợ hạ sinh cho anh một cậu con trai đáng yêu. Phước chia sẻ: “Tiền mất còn kiếm lại được nhưng thời gian, tuổi trẻ một đi không quay lại nữa. Tôi muốn tranh thủ từng giờ làm điều tốt đẹp cho tổ ấm nhỏ của mình”. Nghĩ thế nên anh làm việc liên tục như sợ thời gian trôi mất. Mùa vụ xong, hễ ai gọi cày đất là anh đánh xe đi ngay, có lúc ở trong rừng sâu cả tuần liền. Anh muốn kiếm thêm ít vốn để thực hiện ước mơ mở trang trại trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi bò.
Phước luôn xem mảnh đất Ea Bung là ngôi nhà thứ hai của mình và sẽ gắn bó cho đến trọn cuộc đời vì chính nơi đây đã cho anh cơ hội làm lại cuộc đời sau “lối rẽ” oan nghiệt. Nhắc lại thời tuổi trẻ lầm lỡ của mình, Phước nói đầy chiêm nghiệm: “Không phải ai nghiện cũng đều thoát ra được, vì thế mọi người đừng nên “thử”, ai đã “lỡ” thì cố vượt qua nó. Lầm lỗi trong đời cũng giống như vết mực trên trang giấy, mọi người đừng quá chăm chăm nhìn vào vết đen mà bỏ mất khoảng trống trắng đẹp còn lại. Gia đình, xã hội hãy thông cảm và tạo cơ hội cho những người lầm lỡ làm lại cuộc đời”.
Phương Khánh
Ý kiến bạn đọc