Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về văn hóa đọc hiện nay

08:36, 28/05/2015
Bạn đọc, nhất là lớp trẻ  ít đến thư viện, hoặc nhà sách để thỏa mãn nhu cầu đọc đang là thực tế hiện nay. Có nhiều ý kiến lý giải về điều này, trong đó phải thừa nhận rằng sự xuất hiện ngày càng nhiều, càng phong phú và đa dạng của sách, báo điện tử đã làm thay đổi cách chọn lựa của mọi người khi tiếp cận với văn bản (đọc và học) để làm giàu tri thức cho mình.

Với tiện ích nhanh, gọn và có thể đọc mọi lúc, mọi nơi… sách báo điện tử trở nên hấp dẫn, thu hút người đọc nhiều hơn cách đọc truyền thống thông qua sách báo được in ra trên giấy. Việc lựa chọn ấy cũng là tất yếu vì tiết kiệm thời gian, công sức và cả tiền bạc nữa. Trong thời đại kỹ thuật số này, không mấy ai bỏ ra vài trăm, thậm chí vài triệu đồng để mua một cuốn sách về đọc, mà thay vào đó cứ vào mạng Internet (bằng điện thoại cầm tay, máy vi tính) là có thể chọn lựa tùy thích với chi phí khá rẻ. Chính lợi thế vượt trội đó đã dần làm thay đổi tính chất, cấu trúc, chức năng cũng như sự tương tác của sách báo điện tử với người đọc trong môi trường văn hóa đọc ngày nay. Có thể xem đó là một sự chuyển động, hay nói đúng hơn là xu thế phát triển của văn hóa đọc từ truyền thống đến hiện đại.

Bạn đọc tại Thư viện tỉnh Dak Lak nhân Ngày sách Việt Nam 24-4.
Bạn đọc tại Thư viện tỉnh Dak Lak nhân Ngày sách Việt Nam 24-4.

Ở góc nhìn này, dịch giả Đoàn Tử Huyến phân tích rằng, nếu như văn bản truyền thống (văn bản được in trên giấy) là một công trình ngôn ngữ với sự kết hợp chủ yếu giữa các yếu tố từ vựng và một chút các yếu tố phi từ vựng được thể hiện bằng các biện pháp tu từ, cú pháp và phong cách… thì văn bản dưới hình thức điện tử vừa là công trình ngôn ngữ, vừa là công trình phi ngôn ngữ - trong đó nó có thể tạo ra cả âm thanh, hình ảnh, sự chuyển động linh hoạt và hiệu quả, giúp người đọc cảm nhận một cách đa chiều, sống động hơn. Vì thế, khi nói về “văn hóa đọc” hiện nay bao hàm cả cách tiếp cận với văn bản truyền thống cùng mọi sự tiếp cận khác, đặc biệt là đối với kỹ thuật và công nghệ số. Với tôi, đó cũng là yếu tố mới tích cực góp phần mở rộng nội hàm và dần định hình khái niệm “văn hóa đọc” ngày nay. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng văn hóa đọc là quá trình chọn lựa tự giác của mỗi người. Văn bản nào cũng được, không nhất thiết phải là truyền thống hay hiện đại, miễn là thông tin (tác phẩm) đó phù hợp và mang lại giá trị thẩm mỹ cao, giúp người đọc mở rộng, nâng cao nhận thức cho mình.

Cố nhiên, để hướng đến điều đó, bạn đọc rất cần, thậm chí là có quyền yêu cầu những cơ quan, đơn vị quản lý in ấn, xuất bản phải tuyển chọn (sách báo) có nội dung tốt, chất lượng cao. Đối với lớp trẻ hiện nay, sự lựa chọn ấy càng phải được gia đình, nhà trường và cộng đồng điều chỉnh, hướng dẫn một cách khoa học, có trách nhiệm hơn nhằm dần hình thành thói quen đọc vì mục đích tối thượng là làm giàu thêm trí tuệ, tâm hồn cho mỗi cá nhân. Hiện nay, văn hóa đọc đang được xã hội cổ súy và Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định lấy ngày 24-4 hàng năm làm Ngày sách Việt Nam để khuyến khích mọi người. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là làm sao tạo ra được “sản phẩm sạch” phục vụ cho bạn đọc. 

 Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.