Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Ea M'nang tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo

09:50, 29/05/2015
Hưởng ứng phong trào thi đua “Làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam phát động, trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) đã triển khai xây dựng quỹ tiết kiệm “5.000 đồng/người/tháng” tại các chi hội. Nhờ những đồng vốn vay từ quỹ tiết kiệm này, niềm vui thoát được nghèo đã đến với gia đình nhiều chị em.

Đến nay, gia đình bà Lương Thị The ở thôn 2B đã thoát nghèo hơn 1 năm. Gia đình bà The có hoàn cảnh rất khó khăn, người con thứ 4 của bà bị bệnh bại não bẩm sinh, thu nhập cả nhà chỉ trông vào 2 sào đất vườn và 1 sào ruộng. Cuộc sống của gia đình bà luôn rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, nhiều năm liền có tên trong danh sách hộ nghèo của xã. Năm 2010, gia đình bà The được các chị em trong Chi hội Phụ nữ thôn 2B cho vay 10 triệu đồng từ nguồn quỹ tiết kiệm “5.000 đồng/người/tháng”, bà đã mạnh dạn cải tạo 2 sào đất vườn trồng hoa huệ. Việc trồng hoa đã giúp bà có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống của gia đình dần được cải thiện, đến năm 2013 thì thoát được nghèo. Bà The cảm kích: “Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của chị em trong Chi hội Phụ nữ, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát được nghèo”.

Nhờ được vay vốn từ quỹ tiết kiệm “5.000 đồng/người/tháng”, chị Lương Thị The (thôn 2B, xã Ea M’nang) đã có điều kiện phát triển mô hình trồng hoa huệ.
Nhờ được vay vốn từ quỹ tiết kiệm “5.000 đồng/người/tháng”, chị Lương Thị The (thôn 2B, xã Ea M’nang) đã có điều kiện phát triển mô hình trồng hoa huệ.

 Ngoài gia đình bà The, việc được hỗ trợ từ quỹ tiết kiệm “5.000 đồng/người/tháng” còn giúp 59 gia đình hội viên phụ nữ khác trên địa bàn xã Ea M’nang thoát nghèo. Bà Phạm Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea M’nang cho biết: “Quỹ tiết kiệm “5.000 đồng/người/tháng” được triển khai vào năm 2012. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay 100 % chi hội đều đã xây dựng nguồn quỹ, có 98,5 %  hội viên tham gia. Đúng với tên gọi của nó, tham gia mô hình này, mỗi hội viên đóng góp vào quỹ 5.000 đồng/người/tháng, tạo nguồn vốn giúp chị em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế. Hiểu được ý nghĩa của phong trào nên hầu hết các chị em tham gia đều tự tăng số tiền đóng góp (có chị đã đóng góp đến 1 triệu đồng), vì vậy số tiền tiết kiệm được luôn vượt cao so với kế hoạch”. Sau gần 4 năm thực hiện phong trào, đến nay tổng nguồn quỹ tiết kiệm “5.000 đồng/người/tháng” ở Hội Phụ nữ xã Ea M’nang đã lên đến hơn 954 triệu đồng, qua đó cho 126 hội viên vay vốn (mỗi hội viên được vay từ 2 - 10 triệu đồng); trong đó, tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, nguồn quỹ này tăng được gần 60 triệu đồng. Chi hội có số vốn nhiều nhất là thôn 2B với hơn 200 triệu đồng, có số vốn thấp nhất là Chi hội thôn 6 với 50 triệu đồng.

Để giúp các hội viên sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Hội Phụ nữ xã Ea M’nang đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông xã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt; đồng thời tổ chức cho các hội viên tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất có hiệu quả cao. Nhìn chung, các hội viên đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ không chỉ thoát được nghèo mà còn trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Nhằm phát huy hiệu quả của mô hình tiết kiệm “5.000 đồng/người/tháng”, thời gian tới ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, vận động số hội viên còn lại tham gia, Hội Phụ nữ xã Ea M’nang sẽ vận đông thêm những phụ nữ khác trên địa bàn cùng tham gia xây dựng nguồn quỹ, góp phần giúp các hộ nghèo vượt khó, vươn lên ổn định cuộc sống.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.