Multimedia Đọc Báo in

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

09:17, 11/05/2015

Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng công tác Đoàn vững mạnh thời gian qua các phong trào tình nguyện xung kích vì cuộc sống cộng đồng đã được đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tích cực tham gia, qua đó góp phần tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nêu cao tinh thần sống sẻ chia, cống hiến vì cộng đồng trong tuổi trẻ tỉnh nhà.

Không có nước sạch phục vụ sinh hoạt và công trình nhà vệ sinh để sử dụng là thực trạng mà hơn 10 năm qua cán bộ giáo viên và học sinh ở phân hiệu Ea Nông A, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pak phải đối mặt. Công tác lâu năm tại trường, cô Đinh Thị Ngân cho biết: “Không chỉ riêng giáo viên mà hầu hết người dân nơi đây cũng không có nước sinh hoạt, hằng ngày phải đi gùi nước từ các khe suối cách xa vài cây số về sử dụng. Vào mùa khô hạn việc tìm nước để sử dụng lại càng khó khăn”. Trước thực trạng đó, Đội Công tác xã hội (CTXH)  huyện Krông Pak đã đứng ra vận động, quyên góp và kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay thực hiện công trình hệ thống nước sạch và nhà vệ sinh giúp cho cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường. Công trình trị giá 75 triệu đồng được xây dựng từ nguồn quỹ thiện nguyện “Vì yêu thương” của một số cán bộ hưu trí ở TP. Hồ Chí Minh đóng góp. Bắt đầu thi công từ đầu tháng 3-2015, tới nay công trình đã cơ bản đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Ngay sau khi phát động phong trào, đông đảo các bạn ĐVTN trên địa bàn huyện đã tham gia đóng góp ngày công xây dựng, nhờ vậy chi phí thi công được giảm bớt, thời gian hoàn thành công trình được rút ngắn. Tại công trình vào những ngày cuối tháng 4, dưới cái nắng gay gắt của mùa hè làm mồ hôi thấm đẫm vai áo các bạn ĐVTN, nhưng khí thế lao động của đội quân tình nguyện không vì thế mà giảm đi. Trước những khó khăn mà thầy cô giáo và học sinh nơi đây gặp phải, chúng tôi tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi để thi công, chỉ mong sao sớm hoàn thành công trình để thầy cô và học sinh nhà trường không phải vất vả đi xa lấy nước nữa”- anh Trần Đức Hậu, Chủ nhiệm Đội CTXH huyện Krông Pak chia sẻ.
ĐVTN huyện Cư M’gar tặng quà người nghèo trên địa bàn huyện trong chương trình “Tết Yêu thương”.
ĐVTN huyện Cư M’gar tặng quà người nghèo trên địa bàn huyện trong chương trình “Tết Yêu thương”.

Song song nhiệm vụ xây dựng và phát triển công tác Đoàn, Huyện Đoàn Cư M’gar cũng đặc biệt quan tâm chú trọng đến các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các mảnh đời neo đơn, bất hạnh, kém may mắn trong cuộc sống. Đã thành thông lệ, vào những ngày cuối tháng, gia đình bà Nguyễn Thị Có (thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến) lại nhộn nhịp, rộn rã hẳn lên bởi sự có mặt của các bạn ĐVTN. Sau khi biết hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình bà Có qua chuyên mục “Địa chỉ của những tấm lòng vàng” trên Báo Dak Lak, cứ vào cuối tháng, ĐVTN huyện Cư M’gar lại tổ chức đến thăm hỏi động viên giúp đỡ bà Có bằng những việc làm thiết thực. Các bạn tranh thủ sửa lại mái nhà đã bị hỏng, quét dọn nhà cửa, chăm vườn rau xanh... Mỗi lần ghé thăm, các bạn ĐVTN đều dành tặng bà Có 15 kg gạo và một suất quà để động viên bà. Bà Có xúc động: “Được các cháu thanh niên quan tâm và giúp đỡ tôi thấy rất vui và may mắn! Hy vọng nhờ lòng nhân ái của các cháu sẽ có thêm nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, giúp đỡ”. Anh Nguyễn Minh Quý, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Cư M’gar cho hay: “Thời gian qua các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng luôn được Ban Thường vụ Huyện Đoàn tích cực triển khai tới toàn thể ĐVTN nhằm giúp các bạn trẻ rèn luyện phẩm chất đạo đức, nêu cao tinh thần sống cống hiến, sẻ chia vì cộng đồng. Qua đó, nhiều mảnh đời bất hạnh đã được đông đảo ĐVTN và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện quan tâm chung tay giúp đỡ”.

Đoàn viên thanh niên giúp dân làm đường giao thông nông thôn.
Đoàn viên thanh niên giúp dân làm đường giao thông nông thôn.

Còn nhớ những năm trước đây, việc đi lại của người dân thôn 12 và thôn Cư Blang (xã Pơng Drang, huyện Krông Buk) gặp không ít khó khăn. Đường đất nhỏ hẹp, gồ ghề, mỗi khi mưa xuống lầy lội ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân. Sau khi khảo sát tình hình thực tế, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Krông Buk đã chỉ đạo hơn 200 ĐVTN tham gia góp ngày công giúp dân giảm bớt chi phí thi công đường giao thông nội thôn. Dưới sự giúp đỡ của ĐVTN, 300m đường trị giá hơn 300 triệu của các thôn 12 và Cư Blang đã được hoàn thành trong thời gian chưa đầy 2 tuần. Ngày con đường được thảm bê tông phẳng lì, người dân nơi đây ai cũng mừng ra mặt. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng thôn 12 hồ hởi: “Có con đường mới, việc đi lại của người dân thuận tiện hợn rất nhiều. Nhờ các cháu thanh niên giúp đỡ nên con đường hoàn thành sớm hơn dự tính, chúng tôi đã không còn lo té ngã mỗi khi trời mưa như trước”. Còn anh Y Hải Ajun (người dân buôn Cư Blang) luôn dành cho những “chiến sĩ” áo xanh tình nguyện một tình cảm đặc biệt: “Mấy ngày đầu khởi công làm đường, trời mưa phùn khiến việc thi công gặp không ít khó khăn. Để tiết kiệm thời gian, tranh thủ khi mưa nhỏ, các bạn ĐVTN dọn dẹp hàng rào, phát quang đường sá, lúc nắng ráo thì tiến hành rải đá, trộn bê tông. Việc nặng, việc nhẹ các bạn trẻ tranh nhau làm hết nên chỉ hơn 10 ngày là chúng tôi đã có con đường mới để đi lại. Người dân chúng tôi ai cũng cảm kích trước tinh thần trách nhiệm và tấm lòng nhân ái của các bạn thanh niên”.

Anh Y Nhuần Byă, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, trong “Tháng thanh niên 2015”, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thực hiện được 202 công trình, phần việc thanh niên với tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng cùng nhiều hoạt động tình nguyện thiết thực. Từ những kết quả đạt được, lực lượng ĐVTN đã và đang khẳng định vai trò nòng cốt trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Qua đó, thể hiện ý thức trách nhiệm của ĐVTN đối với cộng đồng, xứng đáng là thế hệ tiếp nối truyền thống tự hào của cha anh trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.