Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác phòng cháy ngay từ cơ sở

09:38, 26/05/2015
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, công ty đã quan tâm nhiều hơn đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) để bảo đảm cho công việc kinh doanh của mình đạt nhiều thuận lợi.

Với sản phẩm kinh doanh đặc thù là xăng dầu, công tác PCCC luôn được lãnh đạo cũng như cán bộ công nhân viên của Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên đặc biệt quan tâm. Hiện Công ty có 59 cửa hàng xăng dầu trải đều trên hai tỉnh là Dak Lak và Dak Nông, cùng một tổng kho tại phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột). Theo ông Đặng Quang Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, công tác PCCC được Công ty nhận thức là một việc cực kỳ quan trọng song hành với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Trong Ban Giám đốc đã phân công một người trực tiếp phụ trách công tác PCCC và tại các cơ sở đều thành lập các đội PCCC. Hằng năm, với sự giúp đỡ của cảnh sát PCCC, Công ty thường xuyên tổ chức huấn luyện và đào tạo cho cán bộ công nhân viên về các nghiệp vụ PCCC; đầu tư, thiết kế, xây dựng các cửa hàng có đầy đủ cơ sở vật chất thiết bị về công tác phòng cháy. Đồng thời thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất tất cả đơn vị, cơ sở về thực hiện quy chế công tác PCCC trong nội bộ, môi trường an toàn ở các cửa hàng. Nói về những kết quả đạt được, ông Thịnh cho hay: “Cách đây 5 năm, tại một cửa hàng xăng dầu có xảy ra cháy và những nhân viên tại đây đã bình tĩnh sử dụng các bình chữa cháy để dập tắt ngay tại chỗ. Do đó, theo kinh nghiệm của chúng tôi thì lực lượng PCCC cơ sở là quan trọng nhất và phải được đào tạo, có nghiệp vụ và có sự tập luyện về phương án chữa cháy; đủ bản lĩnh, kinh nghiệm nếu xảy ra cháy nổ thì lực lượng này sẽ xử lý tại chỗ trước khi các lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến”.

Vụ cháy trên đường Y Jut (TP. Buôn Ma Thuột)  vào cuối tháng 7-2014 gây thiệt hại hơn 12 tỷ đồng.
Vụ cháy trên đường Y Jut (TP. Buôn Ma Thuột) vào cuối tháng 7-2014 gây thiệt hại hơn 12 tỷ đồng.

Những điểm kinh doanh như chợ, trung tâm siêu thị cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ do có nhiều nguyên vật liệu dễ cháy như vải, giấy, đồ khô… Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Quản lý chợ Ea H’leo cho biết hiện Ban Quản lý đã được đầu tư, mua sắm toàn bộ phương tiện, máy móc để bảo đảm công tác PCCC đầy đủ. Bên cạnh đó, Ban Quản lý chợ cũng đã thành lập đội PCCC cơ sở và thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy, vận hành phương tiện máy móc vào chiều thứ 6 hằng tuần. Đồng thời tiến hành nhắc nhở những tiểu thương không chấp hành đúng công tác phòng cháy tại cơ sở.

Theo quy định của Nhà nước, việc thực hiện bảo hiểm cháy, nổ là bắt buộc đối với tài sản của các cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ như nhà cửa, máy móc, trang thiết bị, vật tư hàng hóa, nguyên vật liệu, kho hàng, văn phòng làm việc... Tuy nhiên, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết, tỷ lệ tham gia bảo hiểm của các tổ chức đơn vị trên địa bàn tỉnh còn rất thấp; qua tài liệu thống kê chưa đầy đủ chỉ khoảng dưới 20% các đơn vị, tổ chức, các hộ kinh doanh, hộ gia đình tham gia bảo hiểm cháy nổ.

Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC tỉnh thì trong năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 48 vụ cháy, 1 vụ nổ, làm 3 người chết, 1 người bị thương; thiệt hại tài sản ước tính khoảng 28,2 tỷ đồng. Đặc biệt, vào cuối tháng 7-2014, giữa mùa mưa ở Tây Nguyên, tại đường Y Jút (TP. Buôn Ma Thuột) đã xảy ra một vụ cháy lớn thiêu rụi 11 cửa hàng, với tổng thiệt hại 12,4 tỷ đồng… So với năm 2013, tăng 9 vụ cháy, 2 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng 25,3 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác PCCC; việc tuyên truyền, giáo dục ý thức PCCC chưa được quan tâm đúng mức; công tác thanh, kiểm tra PCCC chưa được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, một số cán bộ chưa được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ PCCC và cứu nạn cứu hộ; số được đào tạo chuyên ngành lại thiếu kinh nghiệm thực tế… Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh thì trong thời gian tới các ban ngành cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức về công tác phòng chống cháy nổ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC, xây dựng lực lượng ở cơ sở đủ mạnh để xử lý cháy ngay tại chỗ. Bảo đảm kinh phí, trang thiết bị tối thiểu cho công tác PCCC tại các sở ban ngành, đặc biệt là tại Sở PCCC. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc đóng bảo hiểm bắt buộc về phòng chống cháy nổ và các doanh nghiệp cần nhận thức về tầm quan trọng việc đóng bảo hiểm để bảo vệ tài sản tốt hơn…

 Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.