TX. Buôn Hồ: Phát huy hiệu quả của hoạt động văn hóa - văn nghệ trong xây dựng nông thôn mới
Câu lạc bộ hát then xã Ea Siên (TX. Buôn Hồ) tham gia biểu diễn tại Liên hoan văn nghệ quần chúng. |
Để hoạt động văn hóa - văn nghệ đạt hiệu quả cao, phục vụ đắc lực cho xây dựng nông thôn mới, trước hết TX. Buôn Hồ đã tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động đông đảo lực lượng và các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa – thể dục thể thao ở cơ sở; phát động các phong trào “Đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện dân số-kế hoạch hóa gia đình”, “Đoàn kết xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp”; “Đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng; phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân, tương ái”… Từ năm 2010 đến 2014, TX. Buôn Hồ đã vận động các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đóng góp 5.000 ngày công lao động và 5,7 tỷ đồng nâng cấp 209 km đường giao thông nông thôn, 55 km kênh mương dẫn nước; xây dựng 3 mô hình điểm khu dân cư văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, 1 mô hình điểm tổ dân phố văn hóa gắn với xây dựng đô thị văn minh. Đồng thời, vận động cán bộ công nhân viên chức và nhân dân đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 1,4 tỷ đồng, xây dựng được 19 nhà tình nghĩa; huy động các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” trên 1 tỷ đồng, hỗ trợ tiền mặt, ngày công, vật tư… xây dựng được 81 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ xây dựng 335 nhà theo Chương trình 167 của Chính phủ… và hàng trăm tỷ đồng nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa - thể dục thể thao…, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hiện tượng tiêu cực, tạo môi trường văn hóa lành mạnh; hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, đưa tỷ lệ hộ nghèo của thị xã từ trên 10% năm 2010 xuống còn 3% vào đầu năm 2015.
Hiện tại, 53 thôn và 33 buôn của TX. Buôn Hồ đã có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng. Hằng năm, tại các nhà sinh hoạt cộng đồng tổ chức hàng trăm buổi sinh hoạt chính trị, hội thảo và các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: sân chơi “Buôn vui chơi ca hát”, liên hoan cồng chiêng, thi hát dân ca và các trò chơi dân gian; các lễ hội, như: lễ cúng bến nước, lễ mừng tuổi, lễ rước kpan, lễ mừng nhà mới, lễ cầu mưa, lễ cúng lúa mới, lễ hội Hảng Pồ… Bên cạnh việc quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thị xã luôn chú trọng triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Qua đó đã huy động được một lực lượng đông đảo đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên với số lượng 814 người; thành lập được 12 Ban Thanh tra nhân dân gồm 121 thành viên, 14 Ban Giám sát đầu tư công cộng với 133 thành viên… đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hương ước, quy ước, đăng ký xây dựng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa; thực hiện pháp lệnh dân chủ; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, động viên toàn xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn thị xã thị xã có 134/149 khu dân cư không có tội phạm nguy hiểm, 7/12 xã, phường không có tệ nạn ma túy; 87% hộ gia đình, 87,25% thôn, buôn, tổ dân phố, 98,08% cơ quan, đơn vị và 6/12 xã, phường đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Công tác sưu tầm để bảo tồn và lưu giữ các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của các dân tộc cũng là một trong những nội dung được thị xã đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, hiện nay trên địa bàn thị xã còn bảo tồn, lưu giữ được 161 dàn chiêng với 48 bài, 24 bến nước, 98 nghi lễ, lễ hội, 23 truyện cổ, 62 bài sử thi, 180 nhà truyền thống, 101 bài cúng và nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác, các điệu múa và các làn điệu dân ca… Song song đó, hằng năm, thị xã đã tổ chức nhiều hoạt động lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, như: tổ chức khôi phục, bảo tồn Lễ cúng bến nước của đồng bào Êđê; tiến hành khảo sát, thống kê số lượng nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, các dàn chiêng đồng còn lưu giữ trong các hộ gia đình; mở lớp dạy đánh nhạc cụ dân tộc (cồng chiêng); tổ chức “Buôn vui chơi ca hát” và hàng chục chương trình văn nghệ, hội thi, hội diễn, liên hoan…
Có thể nói, hiệu quả từ hoạt động văn hóa – văn nghệ ở thị xã Buôn Hồ trong những năm qua không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, nhất là người dân ở nông thôn mà còn khơi dậy và tôn vinh những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hoàng Văn Tuấn
Ý kiến bạn đọc