Multimedia Đọc Báo in

Báo chí với nông dân

06:55, 21/06/2015

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là những đề tài được đề cập đến nhiều nhất trên báo chí, dù phản ánh ở góc độ nào, khen hoặc chê thì người bị tác động nhiều nhất vẫn là nông dân.

Trong thời đại ngày nay, mọi thông tin trên báo chí không chỉ có cư dân thành thị cập nhật nhanh mà có cả những nông dân chân lấm, tay bùn cũng nắm rất rõ. Ở đâu trồng cây gì, con gì đang có giá, mô hình kinh tế nào mang lại hiệu quả cao đều được những nông dân tìm hiểu và học hỏi. Một cộng tác viên của báo Dak Lak rất phấn khởi khoe rằng, các bài viết về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp của chị được rất nhiều nông dân quan tâm, cứ bài nào đăng là có người gọi điện đến hỏi để xin tìm hiểu, chia sẻ thêm thông tin…

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Dak Lak đang tác nghiệp về tình hình khô hạn ở huyện Krông Buk.
Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Dak Lak đang tác nghiệp về tình hình khô hạn ở huyện Krông Buk.

Tuy nhiên, việc tin cậy quá mức vào kênh báo chí cũng có những tác dụng ngược như câu chuyện về cây mắc ca là một ví dụ. Chỉ mới chủ yếu là các mô hình khảo nghiệm, hiệu quả kinh tế mới được tính toán trên giấy, thế nhưng một số tờ báo đã tung hê lên rằng mắc ca là “cây tỷ đô”, “hoàng hậu quả khô”…, khiến nông dân đổ xô đi trồng. Hiệu quả chưa thấy đâu nhưng nguy cơ mắc nợ là có vì nhiều vùng đất không phù hợp nên cây phát triển không tốt, hoa nhiều nhưng quả ít, trong khi thị trường còn rất mù mờ…, chỉ những người bán giống là “ngư ông đắc lợi”. Đó là chưa kể đến việc báo chí phản ánh những thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm hay dịch bệnh gia súc, gia cầm, mặc dù là phản ánh đúng nhưng vô tình làm khổ nông dân vì người tiêu dùng tẩy chay không mua sản phẩm đó, dù rằng trên thị trường vẫn còn nhiều sản phẩm cùng loại đảm bảo tiêu chí sạch và an toàn. Nhất là trong các đợt dịch heo tai xanh hay cúm gia cầm, người tiêu dùng lo lắng đến sức khỏe nhưng đồng loạt quay lưng với các sản phẩm thịt, khiến các trang trại chăn nuôi dù có chứng nhận an toàn dịch bệnh vẫn không bán được, gây thiệt hại nặng nề… Để giải vây cho những sản phẩm sạch bệnh, hồi đó, Sở NN-PTNT đã phải tổ chức hội nghị cùng với tiệc chiêu đãi trong đó có món thịt heo, rồi đưa lên báo chí để kêu gọi người tiêu dùng đừng quay lưng với các sản phẩm từ thịt heo…

Từ những sự việc trên cho thấy trách nhiệm của người cầm bút rất nặng nề, nhất là trong việc định hướng dư luận. Người viết bài này thường được nghe những người làm trong ngành nông nghiệp phàn nàn về việc phóng viên hoặc một số tờ báo đưa tin một chiều, thiếu chuẩn xác làm ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất, chăn nuôi của nông dân như việc tẩy trắng trứng gà, trứng gà giả, gạo giả hay rau, củ phun thuốc kích thích…, theo họ đây là hiện tượng có thực nhưng không phải là phổ biến, việc đưa thông tin quá mức đã vô tình làm hại nông dân. Còn nhớ năm 2013, nắm được thông tin nơi có ổ bệnh heo tai xanh xuất hiện sớm nhất, chúng tôi liền chạy xuống Trạm thú y huyện để lấy tin. Sau khi cung cấp số liệu, anh cán bộ thú y mới nói rằng, anh mong nhà báo đưa tin cẩn trọng vì đây mới là ổ bệnh, chưa lây lan thành dịch và đang được chính quyền, lực lượng thú y kiểm soát chặt, nếu đưa tin không chuẩn xác sẽ gây hoang mang cho người tiêu dùng và nông dân sẽ bị thiệt hại rất lớn do không bán được sản phẩm... Đó là bài học về cái nhìn đa chiều trước một vấn đề để không chạy theo thông tin mà quên mất những ảnh hưởng ngoài ý muốn của báo chí đối với dư luận, độc giả. Từ đó, hễ có thông tin về dịch bệnh gia súc, gia cầm chúng tôi đều cân nhắc để không ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc