Multimedia Đọc Báo in

Bình đẳng giới - nhìn từ gia đình

09:00, 27/06/2015

Sẵn sàng chia sẻ việc nhà, đưa đón con đi học mỗi ngày… chuyện rất nhỏ song không phải “đức lang quân” nào cũng chủ động thực hiện. Vì vậy không ít gia đình “cơm không lành, canh không ngọt” bởi những chuyện “vặt vãnh” này…

1. Xóm tôi có hơn chục nóc nhà, nhưng có đủ thành phần: công chức, viên chức, nông dân, tiểu thương, nội trợ… Mỗi người một việc, nhưng cuối buổi chiều các mẹ, các chị hay bồng con, cháu ra phía trước cho chúng ăn. Đề tải “muôn thuở” được các chị tham gia sôi nổi vẫn là chuyện chồng, con. Lần nào các chị cũng khen chị Hà “số sướng”. Anh Trung - chồng Hà là nhân viên điện, nước của một bệnh viện công lập, thường xuyên phải làm ngoài giờ (kể cả thứ 7, chủ nhật) nhưng buổi chiều vừa đi làm về đến nhà đã “xắn tay” tắm rửa cho hai con, còn vợ chuẩn bị bữa cơm chiều. Thấy chồng Hà tất bật với những công việc không tên, chúng tôi trêu “chồng đảm”, anh cười hiền: “Em chỉ phụ giúp tí việc vặt ấy mà. Cô ấy cả ngày “đánh vật” với hai đứa nhỏ rồi!”. Gần đây, anh Trung động viên Hà đi tập “gym” - một môn thể thao phù hợp để rèn luyện sức khỏe, lại có cơ hội gặp gỡ bạn bè. Thương chồng vất vả, Hà “viện” lý do: “Mai mốt con lớn, em đi cũng không muộn”. Hiểu tình cảm của vợ dành cho mình, anh Trung nhẹ nhàng nói: “Nếu không có sức khỏe tốt liệu em có thể chăm con đến khi chúng trưởng thành không, với lại không có công ty nào đủ tiền thuê một người “hơi đẫy đà” như em vào làm việc đâu!”. Biết chồng “ngầm chê mình xấu” sau khi sinh con, Hà thu xếp công việc, cố gắng mỗi ngày dành một giờ tập thể dục. Mấy ngày đầu, hơi bận rộn, nhưng chỉ một tuần sau, mọi việc đi vào nền nếp.

Tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ, giúp người vợ giảm bớt áp lực công việc,  có thêm cơ hội thăng tiến, khẳng định mình (ảnh minh họa).
Tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ, giúp người vợ giảm bớt áp lực công việc, có thêm cơ hội thăng tiến, khẳng định mình (ảnh minh họa).

2. Chưa đến giờ tan sở, chị C. vội vàng chạy đến trường mầm non đón cô con gái đang học lớp Lá, sau đó vội vàng đến trường THCS đón con trai đang học lớp 6 để còn kịp chở đến nhà cô giáo học thêm. Cậu con trai vừa ngồi lên xe, chị C. “ấn vội” vào tay con chiếc bánh mì, hộp sữa vừa mua ở một cửa hàng tạp hóa ven đường. Chở con đến chỗ học thêm xong, chị H. quay về nhà lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo... Gần 19 giờ, anh Đ. chồng chị về nhà, hỏi: “Có cơm nước gì chưa em, hồi nãy mải lo tiếp khách, không ăn được gì, bụng đói meo!”. Không nghe chị trả lời, anh nói tiếp: “Làm gì cả buổi chiều mà đến giờ cơm nước vẫn chưa xong”, rồi đi thẳng lên phòng khách bật tivi xem. Chị C. lúi húi nấu cơm, khi nghe tiếng chuông đồng hồ điểm 7 tiếng, chị gọi: “Anh đi đón con hộ em với!”. Anh Đ. buông câu gọn lỏn: “Em đón đi, anh mệt lắm!”. Mệt nhọc, ấm ức chị C. càu nhàu, thế là vợ chồng lời qua tiếng lại. Đây không phải lần đầu tiên, mỗi khi chị C. phàn nàn về việc phải chịu nhiều áp lực từ công việc cơ quan và hàng trăm thứ việc không tên trong gia đình, thì anh Đ. lại nói: "Việc nội trợ, đưa đón con cái là thiên chức của người mẹ! Không nhẽ, anh quần quật cả ngày ngoài đường, về đến nhà lại xắn quần xách nước lau nhà, giặt quần áo nữa à!”. Sợ ồn ào ảnh hưởng đến hàng xóm, nên chị H. lẳng lặng lấy xe đi đón con trong sự ấm ức, giận dỗi.

3. Chị Nguyễn Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh chia sẻ: “Không thể phủ nhận, nhiều ông chồng đã có sự cảm thông, chia sẻ công việc gia đình với vợ, tuy nhiên số này chưa nhiều, phần lớn đều cho rằng đó là “thiên chức của phụ nữ”. Vì vậy, người vợ luôn phải gánh vác công việc trong gia đình như: chăm sóc con nhỏ, người già, người đau ốm; giặt giũ, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa…”. Đáng nói, sự bất bình đẳng giới bắt nguồn từ gia đình, được bao bọc bởi các quan hệ gia đình, tôn ti trật tự, nề nếp gia phong… nên diễn ra êm ái, dễ dàng và ít gặp sự phản kháng mãnh liệt từ phụ nữ. Thậm chí, khi biết rõ là bất bình đẳng, nhưng “người trong cuộc” vẫn không có cái nhìn cảm thông, chia sẻ, trái lại còn “đổ hết mọi tội vạ” cho phụ nữ. Nguyên nhân một phần do nhận thức chưa đúng về giới, phụ nữ được quan niệm là gắn liền với vai trò của người mẹ, người vợ, người nội trợ, là người phụ thuộc. Trong xã hội hiện đại, khi cả vợ và chồng đều có vai trò quan trọng trong việc làm ra của cải vật chất, xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái thì bất bình đẳng giới là nguyên nhân chủ yếu của những mâu thuẫn cơ bản trong quan hệ vợ chồng. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức và hành động của con cái, ảnh hưởng đến sự phát triển của chung của xã hội.

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong Luật Bình đẳng giới do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29-11-2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2007. Bên cạnh đó, ngày 24-12-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2351 phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Chiến lược có mục tiêu tổng quát là: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Mặc dù vậy, việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam còn đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Để thực hiện được mục tiêu này, rất cần đến sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thực hiện bình đẳng giới là yếu tố quan trọng. Vì vậy, trong gia đình, ông bà, cha mẹ  là “tấm gương” cho con cái về thực hiện bình đẳng giới.

 

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.