Chương trình "Học kỳ trong quân đội" 2015: Cảm nhận của người trong cuộc
Với những trải nghiệm trong môi trường quân ngũ, các em hình thành những thói quen tốt, biết trân trọng tình cảm đẹp với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh. Khi trở về với cuộc sống thường nhật, những điều ấy sẽ giúp các em tiếp tục hoàn thiện bản thân và hình thành nhân cách tốt đẹp.
Các "chiến sĩ nhí" SIA thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng đội trong sinh hoạt tập thể. |
Em Nguyễn Bảo Hân chia sẻ: “Lúc làm quen ban đầu em rất bỡ ngỡ và lo lắng vì lần đầu tiên sống trong môi trường quân đội, khác xa với ở nhà. Nhưng khi được làm quen, được tham gia các trò chơi, hành quân, tăng gia sản xuất, tập luyện thao trường... mọi hoạt động đều rất vui, nên em đã không còn cảm giác e ngại nữa mà rất thích tham gia. Được các chú bộ đội hướng dẫn tập thể dục, làm nội vụ như gấp chăn màn, sắp xếp quân tư trang, các bài võ thuật trong quân đội, vượt vật cản, hướng dẫn các tư thế vận động trên chiến trường… em đã học được rất nhiều điều, nhất là tính kỷ luật và tính gọn gàng, ngăn nắp. Qua các chuyên đề, diễn đàn như: “Kỹ năng giao tiếp ứng xử”; “Ngôi sao ước mơ”; “Hãy mỉm cười”; “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”… em đã học được nhiều điều hay, điều tốt, tự tin hơn, biết yêu thương và thể hiện tình yêu thương với mọi người hơn...”. Còn “chiến sĩ nhí” Lữ Ngọc Minh Tú lại hồ hởi khoe: “Là một trong 10 bạn tham gia Chương trình “Học kỳ trong quân đội” lớp thiếu nhi được Ban tổ chức khen thưởng vì đã đạt thành tích xuất sắc, em cảm thấy rất vui và vinh dự. Trong thời gian tham gia, em đã nỗ lực, cố gắng học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động. Qua đó em đã học được tính kỷ luật, tự lập, đoàn kết, chia sẻ với bạn bè; được vui chơi thoải mái trong các trò chơi team building, những buổi trải nghiệm hành quân dã ngoại; biết yêu thương bố mẹ, những người thân trong gia đình hơn khi nhớ lại những kỷ niệm lúc ngồi viết thư gửi về cho gia đình...”.
Gửi những lá thư viết trong thời gian tham gia Chương trình “Học kỳ trong quân đội” về cho gia đình. |
Có thể nói, với mỗi “chiến sĩ nhí” SIA, trong suốt thời gian tham gia Chương trình “Học kỳ trong quân đội”, từ những buổi đầu còn bỡ ngỡ, đã quen với cuộc sống được nuông chiều, những sinh hoạt cá nhân đều được sự giúp đỡ của bậc phụ huynh thì giờ đây các em đã tự làm, tự thực hiện những sinh hoạt cá nhân một cách khá thuần thục. Trong những lá thư viết gửi về cho gia đình, nhiều em đã tự hào kể những “chiến tích” có được sau những ngày tham gia như: biết giặt quần áo, rửa bát, trồng rau... Đó là những việc làm rất đơn giản, hằng ngày tự phục vụ bản thân nhưng trước đây chủ yếu các em được phụ huynh chăm sóc, bảo bọc. Khóa học tuy vất vả, tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (7 ngày) nhưng các em bước đầu đã biết học cách thích nghi, thay đổi, vươn lên trong điều kiện khó khăn, biết đoàn kết, yêu thương, giúp nhau cùng tiến bộ. Đồng thời cũng từ đây, các em hiểu hơn tấm lòng của cha mẹ và biết quý trọng hơn những gì mình đang có...
Chị Trần Thị Hải lần đầu tiên cho cô con gái Hoàng Hải Yến Vy tham gia Chương trình “Học kỳ trong quân đội” tâm sự: “Khi quyết định cho cháu tham gia, cũng như bao bậc phụ huynh khác tôi khá lo lắng, vì cháu còn nhỏ, đang ở tuổi ăn, tuổi học, nhận thức chưa chín chắn, chưa có tính tự lập thì chắc chắn sẽ có những khó khăn khi tham gia, đặc biệt là trong môi trường quân đội. Trước đây cháu ở nhà có thể ba mẹ gọi 3-4 lần không dậy, nhưng vào đó thì chỉ cần một tiếng kẻng thôi đã tự dậy, tự gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân... mà điều này cháu đã làm được và vượt qua được những yêu cầu trong khóa rèn luyện như vậy nên gia đình rất mừng. Nghe cháu kể về kỷ niệm trong những ngày xa gia đình mà tôi cũng vui lây. Vui vì thấy con tự tin hơn, tự lập hơn, có sự tiến bộ vượt bậc, không còn nhút nhát như trước nữa...”. Cùng chung tâm trạng của người có con em tham gia trong Chương trình “Học kỳ trong quân đội”, anh Lê Văn Bổng, phụ huynh em Lê Nguyễn Mai Phương vui vẻ cho biết: “Sau khi cho cháu tham gia Chương trình rèn luyện, tôi nhận thấy cháu đã trưởng thành hơn rất nhiều: Trưởng thành từ nhận thức như đã biết nhận ra các lỗi, hay những hành động không đẹp mà mình thường mắc phải khi trước. Rồi qua các lá thư cháu viết về, nói “con xin lỗi ba mẹ. Con hứa sau này sẽ không như vậy nữa...” thì chúng tôi rất mừng. Đây là môi trường rèn luyện rất cần thiết khi mà ngày nay, cuộc sống của các cháu được chăm sóc quá kỹ lưỡng nên nhiều khi không cảm nhận hết được giá trị sống, trách nhiệm với gia đình, xã hội...”.
Đối với các điều phối viên, những người trực tiếp sinh hoạt, dìu dắt các em, khi chứng kiến những sự thay đổi ấy đều cảm thấy vui mừng bởi đó là thành quả đáng quý, đáng tự hào. Điều phối viên Đỗ Thị Thúy Vi chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi tham gia Chương trình “Học kỳ trong quân đội” với nhiệm vụ của một người điều phối viên. Có thể nói, Chương trình đã tạo cho tôi nhiều ấn tượng khó phai: Được tiếp xúc với các em trong độ tuổi từ 9-13 tuổi, với sự hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, các em có thể thực hiện các thao tác còn rất chậm, nhưng lại thể hiện rõ cảm xúc của bản thân trong từng hoạt động, trong từng cử chỉ, với nụ cười vui tươi, nước mắt của niềm xúc động, thể hiện sự gắn kết, yêu thương... khi tham gia các hoạt động trò chơi team building, các chuyên đề cảm xúc. Đồng hành cùng các em, chứng kiến sự thay đổi theo hướng tích cực hơn của các em qua từng ngày, chúng tôi rất vui khi nhìn thấy kết quả đạt được như ngày hôm nay, và đó cũng là mục đích mà chương trình hướng tới...”.
Chị Lại Thị Loan, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Giám đốc Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Chương trình “Học kỳ trong quân đội” 2015 cho biết: “Trong Chương trình “Học kỳ trong Quân đội”, ngoài việc cho các em có những trải nghiệm trong môi trường quân ngũ thì chúng tôi còn lồng ghép vào đó nhiều kỹ năng khác nhau, trong đó chú trọng giúp các em hình thành thói quen tốt, bỏ thói quen xấu; biết yêu thương, trân trọng tình cảm đẹp với ông bà, cha mẹ, bạn bè và mọi người xung quanh; chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh; thực hành xã hội, giao tiếp ứng xử biết cách ứng phó và trang bị kỹ năng xử lý tình huống trong những điều kiện khó khăn... Từ những khơi gợi ban đầu ấy, khi trở về cuộc sống thường nhật, chính các em và gia đình, nhà trường, môi trường sống xung quanh sẽ giúp các em tiếp tục hoàn thiện những nhân cách tốt đẹp. Sau mỗi Chương trình, các phụ huynh, các em đã bày tỏ tình cảm quý mến, sự khích lệ đối với những người tham gia thực hiện Chương trình, đây là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục đầu tư tâm sức cho các chương trình tiếp theo ngày một thành công hơn...”.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc