Cơm chay, xu hướng ẩm thực mới
Nếu trước đây, ăn chay chủ yếu theo tín ngưỡng, tôn giáo thì ngày nay ăn chay được xem là một phương pháp để phòng chống bệnh tật, giảm béo, giữ cho tâm hồn thanh tịnh. Chị Nguyễn Thị Bích Trâm, đường Nguyễn Tri Phương (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, sau mỗi bữa tiệc tùng chị lại nấu một bữa cơm chay với cách nói đơn giản là ăn chay cho dễ tiêu hay ăn để lấy lại thăng bằng. Thường mỗi tuần chị lại có vài bữa cơm chay với rau nấm, đậu khuôn, đậu phụng… hoặc tìm đến các quán cơm chay tại TP. Buôn Ma Thuột như Giác Đức (Y Jút), Tịnh Tâm (Lê Quý Đôn), Lộc Uyển, Đức Tín (Trần Bình Trọng), Tự Tâm (Quang Trung), Thanh Lạc Trai (Hoàng Diệu)… hay tới các ngôi chùa như chùa Khải Đoan, Phổ Minh, Tịnh Xá Ngọc Thành… để thưởng thức cơm chay cùng với các phật tử, cảm nhận sự tịnh tâm, thư thái trong tâm hồn.
Một số gia đình lại có truyền thống ăn chay trường nên ăn chay là thói quen của thế hệ con cháu, trở thành nếp sống, sinh hoạt của gia đình. Chị P. T. H. giảng viên khoa Y, Trường ĐH Tây Nguyên cho biết, thực phẩm chay có thể cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cơ bản nhất như chất bột, béo, đạm, vitamin và các loại muối khoáng… Sau hơn 30 năm ăn chay trường giờ chị rất khó ăn mặn với các món thịt, cá… nên khi đi du lịch, sinh nhật chị thường dùng các món rau quả hoặc gọi các món chay như quả luộc, mì xào, bún xì dầu…
Người dân thưởng thức ẩm thực chay tại một quán cơm chay trên đường Hoàng Diệu. |
Không chỉ ăn chay vào ngày rằm, mùng một mà nay người dân còn ăn chay vào các ngày trong tháng và trở thành xu hướng ngày càng phổ biến. Ông Trần Văn Chờ, chủ một quán cơm chay trên đường Hoàng Diệu cho biết, khâu chế biến các món chay rất kỳ công nhưng ít sử dụng phẩm màu, dầu mỡ nên gần như không có mùi tanh như các quán cơm bình dân. Trước đây cơm chay chủ yếu bán vào các dịp lễ Vu lan, Phật Đản, rằm, đầu tháng, cuối tháng… nhưng nay khách rải đều tất cả các ngày trong tháng, riêng những ngày lễ, tết khách đông gấp ba lần nên quán phải thuê thêm người phụ.
Không chỉ có lợi cho sức khỏe mà nguyên liệu chế biến các món chay có nguồn gốc thực vật nên giá thành cũng mềm hơn; theo đó, giá cơm chay dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/suất, trong khi đó cơm bình dân ở các quán thường ở mức 20.000 – 35.000 đồng/suất tùy loại. Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, đường Y Wang cho biết, là người nội trợ nên khi mua thực phẩm chị phải căn sao mua được thực phẩm vừa tươi sống lại vừa túi tiền, không trùng lặp với những bữa cơm trước đó nên việc lựa chọn thực phẩm rất khó. Do vậy, để thay đổi khẩu vị bữa ăn gia đình, mỗi tuần chị thường nấu vài bữa cơm chay với các món đơn giản như rau xào, ngũ quả luộc, đậu hũ chiên, súp ngũ quả… và được các thành viên trong gia đình hưởng ứng khá nhiệt tình. Không chỉ tốt cho tiêu hóa mà giá thành nguyên liệu nấu cơm chay thấp hơn từ 30 – 50% so với bữa cơm bình thường.
Ăn chay là sử dụng các loại rau củ quả và các sản phẩm có nguồn gốc thực vật trong khẩu phần ăn mà không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật. Tuy nhiên hiện nay, những người có xu hướng ăn chay theo ý muốn cá nhân có sự điều chỉnh nhất định, theo đó trong khẩu phần ăn ngoài những thực phẩm có nguồn gốc thực vật họ còn bổ sung thêm các sản phẩm có nguồn gốc động vật nhưng không liên quan đến “sát sinh” như trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc