Multimedia Đọc Báo in

Để trẻ em không bị dụ dỗ đi lao động sớm

09:43, 01/06/2015

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật và cuộc sống khó khăn của các gia đình ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, các đối tượng môi giới trái phép đã dụ dỗ, lôi kéo nhiều trẻ em nghỉ học, đi lao động sớm ở TP. Hồ Chí Minh. Tình trạng trên ngày càng diễn biến phức tạp, rất cần sự vào cuộc, can thiệp kịp thời của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Những hợp đồng lao động “khác thường”

Là phụ huynh duy nhất có mặt tại buổi làm việc giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Phòng LĐTBXH huyện Ea Kar với UBND xã Cư Bông (huyện Ea Kar) về tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm, chị H’Rêm Niê ở buôn Trưng (xã Cư Bông) tỏ ra khá bối rối. Khi được hỏi về hợp đồng lao động của con trai Y Thoáng Niê (12 tuổi) trước khi đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, chị H’Rêm đưa ra một tờ giấy vẻn vẹn chỉ có 14 dòng ghi vắn tắt tên, địa chỉ, số điện thoại của đối tượng tuyển dụng; công việc và số tiền công sau 2 năm làm việc. Theo lời kể của chị H’Rêm, gia đình thuộc diện hộ nghèo của buôn, chồng đã bỏ đi hơn 3 năm nay, mình chị nuôi 5 con, cháu Y Thoáng là con trai thứ 3. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn và bản thân ham chơi nên năm 2014, Y Thoáng đã nghỉ học, sau đó có người môi giới đến ngỏ ý muốn tuyển dụng cháu đi làm cho một cơ sở may mặc ở TP. Hồ Chí Minh. “Nó bảo muốn đi làm để kiếm tiền giúp mẹ lo cho em nên tôi đã đồng ý. Nó đi làm từ đầu năm 2015. Tôi gọi điện thoại hỏi thăm, nó nói nhớ nhà lắm, hằng ngày đều làm công việc xếp quần áo bỏ vào túi hơn 12 tiếng đồng hồ mới được nghỉ. Nếu giờ mà nghỉ việc thì chủ không trả cho đồng nào, phải làm hết 2 năm mới nhận được 18 triệu đồng”, Chị H’Rêm nghẹn ngào.

Sở LĐTBXH và Phòng LĐTBXH huyện Ea Kar làm việc với UBND xã Cư Bông (huyện Ea Kar) về tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm.
Sở LĐTBXH và Phòng LĐTBXH huyện Ea Kar làm việc với UBND xã Cư Bông (huyện Ea Kar) về tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm.

Tương tự, sau khi học hết lớp 5, em H’Glen Niê (15 tuổi) ở buôn Trưng nghỉ học. Đầu năm 2015, một đối tượng môi giới đã tìm đến tận nhà thuyết phục bố mẹ cho em đi làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Sau khi ký một hợp đồng tương tự như trên, anh Y Lăng Byă đã cất công đưa con xuống tận nơi để tìm hiểu, thấy công việc vắt sổ cũng nhẹ nhàng lại có cả nơi ăn, chốn ở nên cũng yên tâm. Nào ngờ, một thời gian sau H’Glen gọi điện thoại về nhà, anh mới vỡ lẽ. “Chủ xưởng may bắt nó làm 3 ca/ngày, sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 18 giờ, tối từ 20 giờ đến 23 giờ. Cả ngày chỉ làm việc, không được đi đâu cả, ăn uống cũng đạm bạc nên nó nản lắm. Thương con quá, tôi gọi điện bảo nó về. Nó làm được hơn 2 tháng, khi về chủ chỉ trả cho 1 triệu đồng. Giờ cứ để nó ở nhà, khi nào đủ tuổi lao động rồi tính tiếp”, anh Y Lăng than phiền.

Anh Nguyễn Thành Trung, Phó Phòng LĐTBXH huyện Ea Kar cho biết: Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện có 11 trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm ở TP. Hồ Chí Minh, tập trung chủ yếu ở xã Cư Bông. Số lao động trẻ em này ký kết hợp đồng lao động rất sơ sài, không có tính pháp lý. Cha mẹ các em không biết được thực tế về điều kiện làm việc, thời gian làm việc/ngày, môi trường sinh hoạt, ăn, ở của con em mình. Đặc biệt, tiền công của các em không được trả hằng tháng mà chỉ được trả một phần nhỏ khi về thăm nhà, chỉ khi nào làm việc hết 2 năm mới được thanh toán hết 18 triệu đồng.

Nhiều hình thức lôi kéo, dụ dỗ trẻ bỏ học đi làm

Biết tin Đoàn công tác của Sở LĐTBXH, Phòng LĐTBXH huyện Krông Pak về làm việc với UBND xã Ea Yiêng (huyện Krông Pak) về tình hình trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm, ông Hai, dân tộc Xê Đăng (ở buôn Kon Wang) mừng lắm bởi mấy tháng nay, vợ chồng ông đứng ngồi không yên khi con trai A Yua Ngên (12 tuổi) bỗng dưng bỏ học theo bạn đi làm việc ở TP. Hồ Chí Minh nhưng ông không biết phải làm sao để đưa con về. “Vợ chồng tôi đi làm rẫy, lúc về nghe báo tin nó đi cùng bạn xuống TP. Hồ Chí Minh làm rồi nên không kịp trở tay. Sau một thời gian, nó gọi điện về nói làm rất mệt, mỗi ngày phải làm từ 10-12 tiếng đồng hồ. Nó muốn về nhà, nhưng ông chủ dọa đã ký hợp đồng rồi, phải làm cho xong, giờ mà nghỉ phải đền tiền. Thằng A Yua học giỏi lắm, tôi rất hy vọng vào nó, vậy mà…”

Thầy Phan Xuân Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Yiêng cho biết: “Chỉ trong học kỳ II, năm học 2014-2015, trường có 26 em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ bỗng dưng bỏ học. Qua tìm hiểu được biết, phần lớn các em đã đi làm ở TP. Hồ Chí Minh do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, hơn nữa, các em thấy nhiều người đi làm xa về có tiền mua sắm vật dụng gia đình, cá nhân nên muốn đi theo”.

Thực tế cho thấy, mặc dù chính quyền địa phương và ban giám hiệu các trường học đã tăng cường công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình nhưng bằng nhiều hình thức khác nhau, các đối tượng môi giới trái phép vẫn len lỏi được vào từng thôn, buôn để dụ dỗ trẻ em đi lao động sớm. Chị H’Sara Niê, Bí thư Chi bộ buôn Trưng (xã Cư Bông) thừa nhận: “Các đối tượng đến buôn tuyển lao động không thông báo nên ban tự quản không biết. Sau đó, những em đi trước rủ rê thêm các em khác trong buôn hoặc cho địa chỉ để “cò” tự liên lạc, thỏa thuận với gia đình. Khi chính quyền địa phương cùng ban tự quản buôn đi đến tận nhà tuyên truyền, vận động gia đình đưa con về thì nhiều người tỏ thái độ không hợp tác nên cũng đành “bó tay””.

(Còn nữa)

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.