Để trẻ em không bị dụ dỗ đi lao động sớm - Kỳ II: Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, xã hội
Trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho chính bản thân các em, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ mà còn tạo nên nhiều áp lực trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi sự can thiệp, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và toàn xã hội.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Sở LĐTBXH cho biết, tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm bắt đầu nhen nhóm từ năm 2013 và ngày càng diễn biến phức tạp. Tính đến cuối tháng 4-2015, trên địa bàn tỉnh có 102 trẻ em từ 9-16 tuổi bị dụ dỗ đi lao động sớm, tập trung chủ yếu tại các quận: Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh của thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, huyện Krông Pak 50 em; Ea Kar 11 em; M’Drak 4 em; Krông Ana 3 em; Krông Bông 12 em và Lak 22 em. Các đối tượng đến địa phương tuyển dụng lao động trẻ em đều chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, họ chỉ ký một thỏa thuận sơ sài với gia đình các em. Thậm chí, nhiều em bị bạn bè lôi kéo nên gia đình không hề biết con em mình được đưa đi đâu, làm việc gì. Các em bị chủ bóc lột sức lao động, thời gian làm việc từ 11 - 12 giờ/ ngày, việc chi trả lương không đúng quy định, không bảo đảm các điều kiện ăn uống, nghỉ ngơi.
Theo chị Từ Thị Khanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐTBXH), qua điều tra, thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 20 đối tượng “cò” lao động đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh để lôi kéo, dụ dỗ trẻ em đi lao động sớm. Mỗi lần “tuyển” được một em, “cò” sẽ được cơ sở, doanh nghiệp trả từ 1-1,5 triệu đồng. Những trẻ em đi lao động xa gia đình, đặc biệt là lao động tại các tỉnh, thành phố lớn như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh dễ đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc hoặc kẻ xấu lôi kéo vào tệ nạn xã hội như: mua bán, hút chích ma túy, buôn bán trẻ em, bị xâm hại tình dục hoặc ép buộc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Nếu không may rơi vào các tệ nạn kể trên, các em sẽ bị tổn hại về tâm lý, sức khỏe, ảnh hưởng lớn và lâu dài trong quá trình phát triển nhân cách. Trên thực tế, đã có trường hợp của cháu Nguyễn Thị Huệ (15 tuổi), ở thôn Liên Kết 3 (xã Buôn Tría, huyện Lak) theo chị họ đi lao động tại tỉnh Bình Dương từ ngày 1-7-2014. Sau đó, ngày 23-8-2014, có một người phụ nữ lạ mặt đến dụ dỗ em đi Tây Ninh làm việc, đến ngày 26-8-2014 thì mất liên lạc. Mặc dù cơ quan chức năng ba tỉnh Dak Lak, Bình Dương và Tây Ninh đã vào cuộc, gia đình Huệ cũng nhiều lần đi tìm con gái nhưng đến nay vẫn không biết cháu ở đâu.
Cán bộ LĐTBXH và chính quyền địa phương thăm hỏi, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho gia đình có con đi lao động sớm ở huyện Ea Kar. |
Trước tình trạng trên, năm 2014, Sở LĐTBXH tỉnh Dak Lak đã vào cuộc, phối hợp cùng Sở LĐTBXH thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý những cơ sở sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp trên địa bàn, đưa được nhiều trẻ em trở về với gia đình. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm vẫn diễn ra phức tạp, với số lượng ngày càng nhiều. Anh Phan Duy Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Bông (huyện Ea Kar) cho hay: “Khi xảy ra tình trạng trên, UBND xã đã chỉ đạo công an xã vào cuộc, xác minh và xử lý 2 đối tượng đến địa phương tuyển dụng lao động trái phép. Đồng thời, gửi báo cáo lên Phòng LĐTBXH huyện để nắm tình hình, phối hợp cùng chính quyền, các tổ chức đoàn thể, chi bộ, ban tự quản buôn, các trường học tuyên truyền, vận động gia đình có con em trong độ tuổi đang đi học trở về nhưng chưa mang lại kết quả. Nhiều hộ gia đình biện minh rằng do hoàn cảnh khó khăn, đông con nên phải có đứa đi làm kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ. Một số phụ huynh không hợp tác với các tổ chức đoàn thể để vận động đưa con em mình về.
Cần sự can thiệp kịp thời
Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em dễ dàng bị dụ dỗ, lôi kéo đi lao động sớm là do gia đình các em đều có hoàn cảnh khó khăn nên có nhu cầu cho con đi làm việc để kiếm thêm thu nhập; nhiều người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết; một số em bị bạn bè rủ rê cũng trốn gia đình đi lao động kiếm tiền. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, buôn, tổ dân phố mặc dù đã được thành lập song chưa được tập huấn nghiệp vụ để tuyên truyền, vận động cũng như kịp thời nắm bắt các vụ việc liên quan đến trẻ em ở cơ sở để can thiệp, ngăn chặn, kiến nghị hướng giải quyết. Hơn nữa, sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa kịp thời, người dân chưa tự giác tố cáo các hành vi lừa đảo, dụ dỗ lao động trẻ em…
Ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, pháp luật không cấm lao động trẻ em vì theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH đã ban hành danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc. Tuy nhiên, việc lôi kéo, dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động sớm là trái quy định của pháp luật. Các đối tượng khi về địa phương tuyển lao động đều không thông qua chính quyền địa phương hoặc trung tâm giới thiệu việc làm, không công khai các thông tin về số lượng cần tuyển, việc làm, loại hợp đồng, mức lương, điều kiện làm việc…
Để giải quyết tình trạng trên, với chức năng quản lý Nhà nước, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát, nắm bắt thông tin và có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động trái pháp luật. Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức làm việc trực tiếp với một số địa phương trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình, lồng ghép tuyên truyền, nâng cao nhận thức; gửi văn bản đến Sở LĐTBXH thành phố Hồ Chí Minh đề nghị kiểm tra, xác minh và phối hợp giải quyết tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động tại địa phương này. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 2419/UBND-VHXH chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có vấn đề trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐTBXH, để ngăn chặn, giải quyết kịp thời, triệt để tình trạng trên, các cấp, ngành hữu quan và chính quyền địa phương cần phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc cảnh giác với những đối tượng môi giới lừa đảo, dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động ngoài tỉnh. Ưu tiên các chương trình, dự án phát triển kinh tế cho những xã khó khăn, nhất là tạo điều kiện cho những gia đình nghèo có trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động xa nhà có thêm điều kiện phát triển kinh tế, tiếp tục cho con em đến trường học tập. Quan tâm bố trí kinh phí tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên cơ sở để phát huy vai trò của đội ngũ này trong việc rà soát, nắm bắt thông tin tình hình trẻ em, báo cáo, hỗ trợ ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm quyền trẻ em tại địa phương…
Theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH, ngày 11-6-2013 của Bộ LĐTBXH, ban hành danh mục công việc nhẹ được sử dụng người từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm việc gồm: diễn viên, vận động viên năng khiếu, các nghề truyền thống, các nghề thủ công mỹ nghệ, đan lát, làm các đồ gia dụng, nuôi tằm, gói kẹo dừa. Cũng theo Thông tư này, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần; nơi làm việc bảo đảm các yếu tố vệ sinh môi trường lao động đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của pháp luật hiện hành; khi tuyển dụng lần đầu người dưới 15 tuổi vào làm việc phải thông báo bằng văn bản về Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở đặt trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tuyển dụng vào làm việc… |
Nguyễn Xuân
[links()]
Ý kiến bạn đọc