Gia tăng tình trạng tảo hôn ở Cư San
Vợ chồng Vàng Thị Súa (SN 2000) và Hẳng Seo Zì (SN 1996), ở thôn 4 là một trong những trường hợp tảo hôn ở Cư San. Súa và Zì lập gia đình khi Súa mới được 14 tuổi. Không muốn đi học, suy nghĩ còn trẻ con nên Súa đã quyết định lấy chồng khi bản thân còn đang ở tuổi cắp sách đến trường. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên Súa cũng chẳng biết lo cho cuộc sống vợ chồng. Gia đình trẻ con ấy vì thế vẫn đang quanh quẩn với cái đói, cái nghèo. Đặng Thị Thao (SN 1993, ở thôn Sông Chò) cũng lấy chồng từ khi mới 15 tuổi. Năm nay mới 22 tuổi mà Thao đã có 2 con, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Kinh tế gia đình chỉ trông vào vài sào rẫy, thu nhập vài triệu đồng/năm. Nhìn những đứa con nheo nhóc mà không biết tương lai của chúng sẽ ra sao, Đặng Thị Thao tâm sự: “Cuộc sống nhà mình khó khăn lắm, thương con lắm nhưng cũng không biết phải làm sao. Vợ chồng mình cố gắng dừng lại ở 2 con để đỡ khổ”.
Theo thống kê của Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) xã Cư San, năm 2014, toàn xã có 7 cặp vợ chồng tảo hôn. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng khi những tháng đầu năm 2015, trên địa bàn xã đã có 6 cặp tảo hôn. Đây cũng chỉ là con số bề nổi, bởi vì trong 6 tháng đầu năm 2015 toàn xã đã có 113 trẻ được sinh ra, trong đó chỉ có 63 trẻ được đăng ký giấy khai sinh. Như vậy, 50 trẻ không được đăng ký khai sinh có thể vì bố mẹ chúng chưa đủ tuổi kết hôn. Lý giải về nguyên nhân tình trạng này, chị Triệu Thị Nái, cán bộ chuyên trách công tác dân số xã Cư San cho biết: “Do nhận thức của một số người dân nơi đây còn lạc hậu, muốn con cái lấy vợ lấy chồng sớm để duy trì nòi giống và có người phụ giúp gia đình việc ruộng rẫy nên tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra. Trong những năm qua, mặc dù Trung tâm Dân số huyện và Ban Dân số - KHHGĐ của xã đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về KHHGĐ tới nhân dân bằng nhiều hình thức, tuy nhiên tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra ở nhiều thôn như Sông Chò, thôn 5, thôn 9, thôn 10…”. Ngoài ra, xã Cư San hiện có 1.450 cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ nhưng mới chỉ có 51,8% cặp sử dụng các biện pháp tránh thai. Vì vậy, ngoài tình trạng tảo hôn thì tình trạng gia tăng dân số tự nhiên ở xã vẫn còn cao từ 1,5%/ năm, tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm trên 20% mỗi năm... Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội và công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Hiện nay, toàn xã Cư San vẫn còn 412 hộ nghèo (chiếm gần 30%), chủ yếu tập trung ở những gia đình kết hôn sớm, sinh đông con.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở xã Cư San, có lẽ cần phát huy hơn nữa vai trò của các cộng tác viên dân số trên địa bàn xã, kịp thời tuyên truyền, vận động nâng cao hiểu biết cho người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để người dân chấp hành đúng Luật Hôn nhân gia đình.
Hoàng Thúy Diệp
Ý kiến bạn đọc