Multimedia Đọc Báo in

Gương sáng cho con cháu noi theo

08:58, 27/06/2015

Trong cuộc sống của các gia đình người Việt, ông bà, cha mẹ là những tấm gương sáng thể hiện sự mẫu mực, là chỗ dựa vững chắc để con cháu học tập noi theo. Việc nêu gương sáng đơn giản chỉ bằng những việc làm thiết thực, cụ thể trong cuộc sống hằng ngày như: chịu khó, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào; biết yêu thương, thấu hiểu, sẻ chia...

Năm 1987, gia đình anh Nguyễn Bá Phương (thôn 11, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) rời quê hương Thanh Hóa vào Dak Lak lập nghiệp. Cuộc sống ở vùng đất mới nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với bản chất người lính Cụ Hồ, anh đã vượt qua mọi gian khổ để tạo dựng cơ ngơi, sự nghiệp cho mình. Lúc đầu, anh xin vào làm công nhân ở Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên - Ea Kmat, từ những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình trồng, chăm sóc cây giống ở đây, anh đã mạnh dạn vay vốn mở vườn ươm riêng. Nhờ sự kiên trì, cần cù, chịu khó lao động, mỗi năm vườn ươm của gia đình anh bán ra thị trường gần 1 triệu cây giống các loại, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Khi địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông – lâm nghiệp Hòa Thắng, anh đã tham gia và trở thành hội viên, dần dần với sự tín nhiệm của các xã viên và những đóng góp của mình, anh Phương được bầu làm Chủ nhiệm HTX.  Kinh tế gia đình khá giả, vợ chồng anh có điều kiện chăm lo cho 2 người con ăn học. Hiện nay người con gái lớn đang học năm thứ 3 Trường Đại học Tây Nguyên, còn con trai đang học lớp 10 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Chia sẻ về cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, anh Phương cho biết: “Trong mọi hoàn cảnh, dù cuộc sống có khó khăn hay khá giả vợ chồng tôi luôn cố gắng để vươn lên, bởi mình là tấm gương để các con học tập, noi theo. Dù công việc bận rộn nhưng chúng tôi luôn dành thời gian quan tâm đến việc học tập cũng như tâm tư, nguyện vọng của các con. Nhờ vậy, năm học nào các cháu cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi”.

Amí Huyên (xã Yang Mao,  huyện Krông Bông)  vui cùng các cháu trong tuổi xế chiều”.
Amí Huyên (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) vui cùng các cháu trong tuổi xế chiều”.

Cũng là một tấm gương sáng không chỉ cho con cháu noi theo mà còn được dân làng yêu mến, cảm phục bởi sự đức độ, nhân từ, đó là trường hợp của vợ chồng ông Ama Huyên (buôn Kiều, xã Yang Mao, huyện Krông Bông). Là thương binh, sức khỏe không được tốt, cuộc sống gia đình lại hết sức khó khăn, cả nhà 9 miệng ăn hằng ngày chỉ trông chờ vào 4 ha đất nông nghiệp nhưng ông vẫn luôn cố gắng lao động, không nề hà công việc từ nương rẫy đến đi làm thuê, cuốc mướn để lo cho các con ăn học. Dẫu vậy, mỗi khi thấy những đứa trẻ bất hạnh, sớm mồ côi cha mẹ, vợ chồng ông lại không cam lòng đứng nhìn mà quyết định đưa chúng về cưu mang, nuôi dưỡng. Trong số 8 đứa trẻ được vợ chồng ông nhận nuôi có đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, có đứa mồ côi mẹ, đặc biệt đứa nhỏ nhất lúc đó cũng chỉ mới được 2 tháng tuổi. Dẫu khó khăn, vất vả, nhưng vợ chồng ông cố gắng nuôi dạy các con nên người, đặc biệt luôn tạo mọi điều kiện để các con được đến trường, không vì nghèo khổ mà phải bỏ học. Ông bà luôn nghĩ, các con phải được chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng và được học hành tử tế. Anh Y Phú Êban, là con thứ 4 trong gia đình, đang công tác tại UBND xã Yang Mao tâm sự: “Biết bố mẹ đã vất vả nuôi dạy con cái trưởng thành nên con cháu trong gia đình luôn kính trọng, yêu thương ông bà. Cũng chính sự nhân từ, mẫu mực của ông bà mà bây giờ chúng tôi biết yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ, nhất là những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn”. Giờ đây, những đứa con được ông bà chăm sóc đều trưởng thành, lập gia đình, mỗi người một công việc, cuộc sống riêng, nhưng ai cũng quan tâm, chăm lo phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi đã “xế chiều”.

Ở buôn Tul, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, nhắc đến ông Ama Bui, người dân luôn thể hiện sự kính trọng và ngưỡng mộ bởi ông là tấm gương nuôi dạy con tốt. Bản thân là một nhà giáo, do đó ông luôn tạo điều kiện và giáo dục con cái thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Không phụ lòng ông, hiện nay 4 người con ruột và 3 người con dâu, rể của ông đều đang công tác trong ngành giáo dục. Không những thế, ông Ama Bui còn là người tích cực tham gia các phong trào của địa phương như: khuyến học khuyến tài, vận động nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư…

Với tinh thần “tuổi cao gương sáng”, những bậc ông bà, cha mẹ luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong các phong trào ở địa phương như: xây dựng nông thôn mới, hăng say lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam... Bằng kinh nghiệm quý và những việc làm thiết thực, họ thực sự là tấm gương sáng cho con cháu học tập và noi theo; là những nhân tố điển hình, góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.