Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" ở TX. Buôn Hồ

18:28, 14/06/2015
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TX. Buôn Hồ hiện có 16.154 hội viên, chiếm 82% hộ có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Xác định cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, những năm qua, Hội LHPN TX. Buôn Hồ đã triển khai sâu rộng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tới 100% cơ sở hội.

Một trong những nội dung được Hội tập trung chỉ đạo là triển khai phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Đến nay đã có 16.310 cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện phong trào (đạt tỷ lệ 99%), qua bình xét có 14.432 cán bộ, hội viên (chiếm 88,5%) đạt danh hiệu phụ nữ tiên tiến, trong đó có 954 lượt hội viên xuất sắc. Hội LHPN thị xã đã chỉ đạo các cơ sở hội rà soát các hộ nghèo, cận nghèo để từ đó có kế hoạch phân công giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2010 đến nay, thông qua việc triển khai nhiều mô hình thực hành tiết kiệm thiết thực, hiệu quả, Hội đã thành lập được 198 nhóm tín dụng tiết kiệm, hùn vốn xoay vòng; xây dựng 674 con heo đất, huy động được số tiền hơn 8,2 tỷ đồng, cho 3.288 lượt hộ nghèo và cận nghèo vay phát triển kinh tế. Ngoài ra, Hội còn tín chấp, nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã giải quyết cho 4.208 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ vay hơn 66,5 tỷ đồng, tăng 13,38 tỷ đồng so với năm 2010. Ngoài việc huy động các nguồn vốn, Hội LHPN thị xã đã phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã tổ chức tập huấn kiến thức ủ nấm, chăm sóc cà phê, ngô lai...; xây dựng các mô hình trồng nấm, nuôi tằm, nuôi cá diêu hồng, bò sinh sản đạt hiệu quả; phối hợp Trung tâm Dạy nghề thị xã tổ chức hàng chục lớp dạy cắt may, chăn nuôi thú y cho hàng trăm lượt cán bộ, hội viên phụ nữ… Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, đến nay TX. Buôn Hồ có 1.156 hộ phụ nữ thoát nghèo, trong đó có 468 hộ do phụ nữ nghèo làm chủ hộ (đạt tỷ lệ 40,5%), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn địa bàn thị xã từ 9,54% năm 2011 xuống còn  4,91% cuối năm 2014.

TX. Buôn Hồ tuyên dương phụ nữ làm kinh tế giỏi giai đoạn 2010-2014.
TX. Buôn Hồ tuyên dương phụ nữ làm kinh tế giỏi giai đoạn 2010-2014.

Hội LHPN TX. Buôn Hồ còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo thông qua các phong trào “Xây dựng Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo”; vận động cán bộ, hội viên tham gia quyên góp ủng hộ Quỹ “Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo”; xây dựng Quỹ “Mái ấm tình thương”;  trao học bổng; huy động Quỹ “Giúp đỡ phụ nữ khuyết tật và phụ nữ nhiễm HIV” (qua đó hỗ trợ 10 triệu đồng cho 6 phụ nữ nghèo nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ 30 triệu đồng cho 2 phụ nữ khuyết tật, hỗ trợ 10 triệu đồng cho 1 hộ hội viên có người thân nghiện ma túy hoàn lương để phát triển kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng).

Nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên, thực hiện tiêu chí về xây dựng “Gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng, bỏ học, không sinh con thứ 3 trở lên”, ngoài việc tuyên truyền về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, những kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ, trẻ em, Dân số-KHHGĐ, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, phòng chống mua bán người…, các cấp Hội Phụ nữ thị xã còn đặc biệt tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” và chú trọng việc thành lập các mô hình truyền thông tại cộng đồng. Từ 2010 – 2014, thị xã đã xây dựng được 241 mô hình với 5.338 thành viên như: câu lạc bộ “Mẹ kết nối với con gái”; mô hình “Người cha tốt của con“;  mô hình “Phụ nữ Dân tộc thiểu số gương mẫu chấp hành pháp luật’’; mô hình “Phụ nữ tôn giáo với công tác xã hội’’; mô hình “Phụ nữ với công tác bảo vệ an ninh trật tự’’; câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình”; mô hình “Nuôi dạy con theo khoa học”… Thông qua hoạt động các mô hình đã tuyên truyền các chuyên đề về phương pháp nuôi dạy con theo khoa học: kiến thức phòng chống suy dinh dưỡng, nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, về tác hại của ma túy… Ngoài ra, Hội còn phối hợp tổ chức các hội thảo về dinh dưỡng, tập huấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đến năm 2014, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 14,05% (năm 2010 17,5%); có 150 phụ nữ tham gia đình sản, 2.073 hội viên phụ nữ đặt dụng cụ tử cung, 7.544 chị dùng thuốc tránh thai, tiêm và cấy thuốc tránh thai đạt 108% kế hoạch, góp phần giảm tỷ suất sinh trên địa bàn hằng năm xuống còn 0,6‰.

Cùng với thực hiện “5 không”, tiêu chí “3 sạch” cũng được Hội LHPN TX. Buôn Hồ triển khai thực hiện qua nhiều hoạt động thiết thực như: vận động hội viên hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường” và Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm… Các cơ sở hội vận động đông đảo cán bộ, hội viên tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giữ gìn môi trường làng xóm xanh - sạch - đẹp; tuyên truyền hội viên thực hiện “sạch bếp” như: thường xuyên vệ sinh bếp gọn gàng sạch sẽ, chủ động trồng rau sạch, nuôi gia cầm sạch nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Có thể nói, cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” ngày càng thu hút được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, tạo nên sức lan tỏa rộng rãi với nhiều hiệu quả thiết thực. Toàn thị xã hiện có 14.275 hộ hội viên phụ nữ đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch“ (đạt tỷ lệ 91,4%). Những kết quả từ phong trào này góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, từng bước xây dựng Buôn Hồ trở thành đô thị giàu đẹp và văn minh.

Hoàng Văn Tuấn

                     (Thị ủy Buôn Hồ)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.