Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Khó khăn trong việc xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em

08:46, 27/06/2015
Ngày 30-5-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2014 quy định tiêu chuẩn,  xã, phường, thị trấn phù  hợp với trẻ em bao gồm 15 tiêu chí thay thế cho 25 tiêu chí trong Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ trước đây. Tuy nhiên, thực tế thực hiện tại huyện Krông Bông cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn trong xét công nhận xã, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Theo số liệu của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Krông Bông, toàn huyện có 22.875 trẻ em sinh sống trên địa bàn 14 xã, thị trấn, trong đó trẻ em người dân tộc thiểu số là 11.151 em. Đến nay, huyện mới có 6/14 xã được công nhận xã, phường phù hợp với trẻ em theo tiêu chí cũ, đạt 42,8%. Với đặc thù huyện Krông Bông là một huyện căn cứ, nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển, 8/14 xã có đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 4/14 xã có đồng bào dân tộc các tỉnh phía Bắc di cư ngoài kế hoạch nên có một số tiêu chí dù đã nỗ lực phấn đấu nhưng nhiều xã  vẫn khó đạt.

Cụ thể như: Tiêu chí số 2 về việc trẻ em được khai sinh đúng quy định có thể coi là một trong những khó khăn lớn nhất trong việc hoàn thiện hệ thống tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em đối với các xã có đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, đối với đồng bào di cư ngoài kế hoạch, tình trạng tảo hôn còn khá phổ biến, có những người sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn, sinh con chủ yếu tại nhà, đến khi đủ tuổi mới đến đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con. Có nhiều gia đình có con đã 6 tuổi mới đến đăng ký khai sinh. Với người dân tộc thiểu số tại chỗ, khi con vào học mẫu giáo mới đến đăng ký khai sinh. Bà Bùi Thị Sương, cán bộ tư pháp xã Hòa Phong cho biết: “Mỗi năm trung bình tư pháp xã tiếp nhận trên 240 hồ sơ đăng ký khai sinh, trong đó có 80 hồ sơ của đồng bào dân tộc Mông, nhưng tỷ lệ khai sinh đúng quy định chỉ chiếm gần 30%, còn lại hầu hết là quá hạn, có những gia đình đến đăng ký khai sinh cùng một lúc cho 3 trẻ”.

Đoàn xã Cư Kty tổ chức giải bóng đá thiếu niên hè 2014.   Ảnh: Viết Xuân
Đoàn xã Cư Kty tổ chức giải bóng đá thiếu niên hè 2014. Ảnh: Viết Xuân

Khó khăn không kém là trong việc thực hiện Tiêu chí số 13 về tỷ lệ trẻ em được tham dự tọa đàm, diễn đàn trẻ em các cấp, trao đổi, đóng góp ý kiến vào các vấn đề liên quan đến thực hiện quyền trẻ em. Trên thực tế, hằng năm ngoài ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và Tết Trung thu một số địa phương tổ chức phát quà và các hoạt động vui chơi có sự tham gia của đông đảo trẻ em; còn lại do đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đều phải kiêm nhiệm, Quỹ Bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã không có, thêm vào đó, kỹ năng chuyên ngành của cán bộ còn rất hạn chế, vì thế hầu như ở cấp xã, thị trấn chưa thực hiện được việc tổ chức tọa đàm, diễn đàn để lắng nghe trẻ em nói.

Một khó khăn nữa là việc thực hiện Tiêu chí số 15 về điểm vui chơi, giải trí và tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, rèn luyện thể chất cho trẻ em. Mặc dù những năm gần đây huyện Krông Bông đã đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng xây dựng nhà thi đấu thể thao, công viên tại trung tâm huyện, hỗ trợ kinh phí cho các trường mầm non bổ sung thêm thiết bị vui chơi, giải trí, tại  thị trấn Krông Kmar đã có điểm vui chơi cho thiếu nhi và một số xã có sân bóng mini cỏ nhân tạo song số lượng trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn các xã vẫn chưa có điểm vui chơi giải trí dành riêng cho thiếu nhi, các hoạt động văn hóa chủ yếu mang tính “thời vụ”, “ đối phó” để tham gia khi huyện tổ chức các hội thao, hội diễn…, chưa có các câu lạc bộ phù hợp với lứa tuổi trẻ em.

Những khó khăn trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ông Trịnh Văn Minh, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Bông cho biết: “Do trình độ, năng lực của một số cán bộ chuyên môn cấp xã, thị trấn còn hạn chế nên chưa chủ động tham mưu đề xuất đưa công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em vào kế hoạch hoạt động hằng năm của địa phương. Mặt khác, nguồn kinh phí dành cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung và việc xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em nói riêng ở các cấp còn quá khiêm tốn, từ đó dẫn đến nhiều hoạt động còn mang tính hình thức, chưa sát thực tiễn…”. Vì vậy, để đạt được các tiêu chí xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em trên địa bàn huyện Krông Bông, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để xây dựng nhà văn hóa cấp xã, ít nhất mỗi xã có 1 điểm vui chơi giải trí tại khu trung tâm cũng như có phụ cấp cho cán bộ làm công tác chuyên trách bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã. Điều quan trọng hơn cả là cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung, xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em nói riêng.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.