Multimedia Đọc Báo in

Lần theo những nguồn tin "nóng"

07:32, 28/06/2015
Ngay từ ngày đầu vào nghề, tôi may mắn được nhận công tác ở một tờ báo Đảng, được giao phụ trách lĩnh vực khá “hót” đó là giao thông vận tải – đây là lĩnh vực có nhiều thông tin nóng, các vụ việc, sự kiện có thể đến bất cứ lúc nào, ở mọi địa điểm, điều này có nghĩa, khi sự kiện xảy ra, bản thân phóng viên phải “đi đến nơi, về đến chốn” để phản ánh thông tin chính xác, kịp thời.
 
Đã không ít lần tôi thấy chán nản, áp lực và muốn chuyển hướng sang một nghề khác, nhưng với sự động viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…, niềm đam mê làm báo cứ lớn dần trong tôi. Tuy thời gian vào nghề chưa nhiều, nhưng những nguồn tin từ cơ sở, từ phía người dân đã giúp tôi nắm bắt kịp thời các thông tin, sự kiện diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.
Phóng viên Báo Dak Lak phỏng vấn người dân trên cánh đồng buôn Trấp (huyện Krông Ana).
Phóng viên Báo Dak Lak phỏng vấn người dân trên cánh đồng buôn Trấp (huyện Krông Ana).

Còn nhớ, tầm 22 giờ vào một ngày đầu tháng 10 năm 2014, khi nhìn thấy cuộc gọi đến là số máy của một vị lãnh đạo thuộc Ban An toàn giao thông tỉnh, chưa cần nhấc máy, tôi đã kịp đoán ra có vụ TNGT nghiêm trọng. Không nằm ngoài dự đoán, phía đầu dây bên kia thông tin vội “em lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh gấp, mới xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, 2 người chết và nhiều người bị thương…” và cuộc thoại chấm dứt lập tức sau đó. Thông tin rất “nóng”, không đi không được, nhưng nhà lúc này chỉ có 2 mẹ con, mặc dù vào nửa đêm, những người xung quanh đã ngủ hết, nhưng vẫn liều gõ cửa, bế con sang hàng xóm gửi để trực tiếp đến hiện trường thu thập thông tin. Thành thật mà nói, là phụ nữ, tôi rất sợ phải chứng kiến cảnh tang thương, mất mát, nhưng khi lửa nghề đã cháy thì mọi sự sợ hãi đều biến mất. Cùng với sự hỗ trợ, cung cấp thông tin đầy đủ từ các cơ quan chức năng, chỉ một lúc sau, tôi và các đồng nghiệp đã có được thông tin ban đầu gửi về tòa soạn ngay trong đêm, kịp thời xuất bản lên báo mạng. Mới đây nhất, vào cuối tháng 4-2015, khoảng 5 giờ sáng, khi nhận được thông tin từ các đồng nghiệp về vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên Quốc lộ 14, đoạn cầu Ea Khal (huyện Ea H’leo), tôi nhanh chóng theo xe Ban ATGT tỉnh đến hiện trường. Sau gần 2 giờ đến vị trí xảy ra tai nạn, những gì hiện ra trước mắt tôi chỉ là một đống đổ nát, những nạn nhân bị thương vong đã được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện gần đó. Không chỉ phản ánh thông tin ban đầu, tôi quyết bám theo sự kiện, khi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo, chứng kiến không khí tang thương bao trùm cả khu nhà xác, giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy rợn da gáy. Phải mất 1 ngày từ huyện Ea H’leo về Krông Buk, thị xã Buôn Hồ rồi về Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh – nơi chị Nguyễn Thị Kim Cúc, nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ tai nạn đang cấp cứu, tôi mới nắm được hết thông tin, hoàn cảnh của những nạn nhân trong vụ TNGT nghiêm trọng nói trên. Phần lớn họ là những lao động nghèo, vì cuộc sống mưu sinh, phải theo những chuyến xe gạch làm thuê, bốc vác, nay đây mai đó. Thế nhưng, chỉ trong một tích tắc, vụ tai nạn kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của họ, để lại nỗi mất mát tột cùng cho người thân, bạn bè.

Nghề báo, bên cạnh những thông tin nóng, mang tính thời sự khiến cánh phóng viên khi nào cũng phải căng như dây đàn để phản ánh kịp thời vẫn còn những thông tin để lại nỗi ám ảnh lớn trong quá trình tác nghiệp. Với tôi, nỗi ám ảnh đó là khi chứng kiến những nỗi đau, sự mất mát của người có người thân tử nạn vì TNGT. Trong sự nghiệp làm báo của mình, có 2 trường hợp có người thân tử nạn vì TNGT, mà đến nay, tôi vẫn thấy day dứt, vẫn thấy nặng trĩu trong lòng khi nghĩ về họ. Đó là vụ TNGT xảy ra trên địa bàn xã Hòa An (huyện Krông Pak) vào cuối tháng 1-2015, khiến 3 người trong 1 gia đình tử vong tại chỗ, nạn nhân duy nhất may mắn thoát khỏi miệng lưỡi tử thần là cháu Trần Hoàng Kim Ly (sinh năm 2012). Những ngày cháu Ly nằm viện, mỗi khi rảnh tôi lại ghé vào thăm cháu; mỗi lần cháu đòi người cô ruột gọi điện cho ba, mẹ và chị hai – một ước muốn nhỏ nhoi, rất đỗi bình thường đối với một đứa trẻ như Ly, nhưng không bao giờ trở thành hiện thực khiến tôi càng thấy day dứt hơn. Nỗi đau quá lớn, buộc những người thân trong gia đình phải giấu không cho cháu Ly biết sự ra đi mãi mãi của ba, mẹ và chị hai. Ngày cháu Ly xuất viện vào một ngày giáp Tết cũng là ngày cháu biết về sự ra đi của ba mẹ và chị hai, câu hỏi “mẹ ơi, ba ơi, sao bỏ Kim Ly đi đâu”, khiến ai nghe cũng không khỏi chạnh lòng. Còn trường hợp chị Nguyễn Thị Bảo Trâm (trú tại thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) có con mất trong vụ TNGT nghiêm trọng vào ngày 20-10-2014, chứng kiến cảnh người mẹ trẻ không còn nước mắt để mà khóc vì sự ra đi quá đột ngột của đứa con mới tròn 3 tháng tuổi, lòng tôi như quặn thắt lại. Sự đồng cảm càng lớn dần trong tôi khi nhìn thấy những giọt sữa vương đầy trên áo người mẹ trẻ, có lẽ đó là nỗi đau không lời nào, từ nào có thể tả hết lúc đó đối với Trâm và những người thân của cháu bé…

Để kết cho dòng tâm sự về nghề, tôi xin trích dẫn câu nói của nhà văn, nhà báo Vũ Bằng trong cuốn “40 năm nói láo”: “Ngay khi bắt đầu làm cái nghề điêu đứng này, có phải tôi đã nghe thấy các bậc đàn anh lập đi lập lại câu nói của Jules Janin: “Nghề báo đưa người ta đi đến bất cứ đâu - miễn là thoát được nó ra”? Theo cách hiểu của tôi, nhà báo Vũ Bằng đang nói đến sự hấp dẫn nhưng cũng rất vất vả của nghề báo, phía sau mỗi nguồn tin, mỗi bài viết còn là nỗi trăn trở, day dứt của người cầm bút.

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc