Multimedia Đọc Báo in

Lặng lẽ với nghề…

06:56, 21/06/2015

Khi nhắc đến nhà báo, người ta nghĩ ngay đến những người trực tiếp làm ra sản phẩm và được định danh bằng tên tuổi. Vậy nhưng mấy ai biết rằng, để mỗi bài báo đến được với độc giả có sự đóng góp không nhỏ của những người làm báo thầm lặng, đó là đội ngũ biên tập viên, người duyệt tin bài, kỹ thuật viên lấy chữ, họa sĩ trình bày, đọc mo-rát.

Ngoài những kỹ năng, kiến thức được đào tạo qua trường lớp, với tính chất và yêu cầu của nghề nghiệp, đòi hỏi người biên tập cần hội đủ các tố chất: bản lĩnh vững vàng, nhẫn nại, kiên trì, công tâm trong từng câu chữ. Bởi chỉ cần thiếu một trong những tố chất đó thì chẳng thể nào xử lý, biên tập được bài vở chỉn chu, sắc bén. Giữa bộn bề bản thảo, họ phải biết trân trọng thông tin, rồi chắt lọc, dày công chỉnh sửa, làm sao để những thông tin cộng tác viên gửi đến không bị hoài phí chỉ bởi lối hành văn sơ sài hoặc chưa phù hợp với văn phong báo chí… Có những bản thảo của cộng tác viên vì mới lần đầu tham gia cộng tác nên chỉ nêu được thông tin, cách viết còn lủng củng, thiếu logic nên người biên tập gần như phải viết lại hoàn toàn. Rồi có những bản thảo viết bằng tay, họ vừa biên tập vừa phải đánh máy lại… Suốt ngày phải căng mắt bên tập bản thảo tin, bài, ảnh, chỉ sơ sẩy thôi là dẫn đến sai sót không đáng có nên người biên tập lúc nào cũng làm việc trong trạng thái huy động mọi nơ - ron thần kinh vào câu chữ.

Bộ phận chế bản của Báo Dak Lak đang  trình bày báo.
Bộ phận chế bản của Báo Dak Lak đang trình bày báo.

Có thể thấy, công tác biên tập có vai trò quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng tờ báo. Cho nên, người biên tập không chỉ làm nhiệm vụ sửa chữa câu từ, lỗi chính tả, ngữ pháp đơn thuần, mà đôi khi còn phải sửa cả tựa đề, sắp xếp lại kết cấu bài viết, qua đó góp phần giúp người viết nâng cao tay nghề. Áp lực cầm bút của người biên tập viên chính là ở chỗ  làm thế nào gọt giũa tin bài, để từ những “viên sỏi” thô thành “viên ngọc” sáng, đồng thời là người nâng đỡ cho những cây viết mới vào nghề... Âm thầm, lặng lẽ cống hiến là thế, nhưng không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng cảm. Chính vì lẽ đó mà trong công việc không tránh khỏi những “va chạm”. Và có lẽ cũng từ những “va chạm” ấy giữa người viết và biên tập viên có được sự đồng cảm, chia sẻ, cũng như học tập lẫn nhau, cùng tiến bộ, giúp tác phẩm báo chí khi đến với bạn đọc hoàn thiện hơn, hấp dẫn hơn. Thế nhưng, sau mỗi bài báo nếu hay, chất lượng thì tên tuổi của người viết được vinh danh, mấy ai biết được có sự đóng góp thầm lặng của người biên tập, còn nếu không may bài viết có "sạn", thì người biên tập lại bị độc giả trách móc, sao không tinh ý, nhạy bén “nhặt sạn” để bài viết hay hơn...

Cũng như các biên tập viên, người tổ chức trang, nhập tin, sửa mo-rát tên tuổi của họ cũng không xuất hiện trên mặt báo. Họ cũng là người lặng lẽ với nghề bằng những đóng góp thầm lặng để mang thông tin đến cho bạn đọc. Công việc của họ thoạt nhìn tưởng chừng đơn giản, vậy mà nhọc nhằn vô cùng. Ngoài thời gian làm việc theo giờ hành chính như mọi công chức, viên chức Nhà nước khác, do đặc thù công việc, nên họ thường xuyên phải làm đêm. Khi lượng tin, bài dồi dào thì việc tổ chức trang tương đối nhẹ nhàng, thuận lợi, nhưng cũng có những lúc, tin, bài không như mong muốn, người tổ chức trang phải tìm mọi cách để trang báo được lấp đầy. Hay khi có sự kiện nào diễn ra vào buổi tối, để thông tin đến kịp thời cho bạn đọc vào sáng hôm sau, chuyện làm đến 11-12 giờ đêm của bộ phận chế bản là hết sức bình thường. Rồi công việc đọc mo-rát không chỉ là đọc và kiểm tra câu chữ, chính tả cho đúng với bản thảo mà để hạn chế tối đa sự sai sót, người đọc còn phải đọc thoát ly bản thảo. Cho nên, bản thân người làm công việc này cũng phải thường xuyên tự học để nâng cao kiến thức, nắm bắt thông tin nhanh nhạy chẳng kém gì cánh phóng viên, nhà báo.  Công việc nhập tin, bài cũng không kém phần vất vả. Mặc dù, không còn phải đánh máy toàn bộ bản thảo như trước đây thời ứng dụng công nghệ tin học chưa phổ biến, nhưng  là người thực hiện công việc thuộc công đoạn cuối cùng của quy trình làm báo nên họ cũng người lo trước vui sau. Công việc chẳng kể giờ giấc, ngay cả khi các trang báo đã lên khuôn và mang đến nhà in, họ vẫn chẳng thể nào yên tâm. Họ chỉ thở phào nhẹ nhõm khi không có sai sót nào xảy ra trên mặt báo. Thế nhưng, công việc của họa sĩ trình bày, người nhập văn bản, đọc mo-rát... ít nhiều vẫn có sự phân biệt, và chưa thực sự được xem trọng. Không được xem là nhà báo, không được cấp thẻ hành nghề, nhưng họ là những mắt xích quan trọng của quy trình làm báo. Hơn ai hết, họ cần sự động viên, chia sẻ để được cống hiến hết mình cho nghề vốn chất chứa nhiều vất vả, gian nan này.

 Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc