Mang yêu thương về với buôn làng
Không phụ lòng mong mỏi của bà con, đội ngũ y, bác sĩ xuất phát từ TP. Buôn Ma Thuột lúc 5 giờ sáng và vượt quãng đường dài trên 100 km để đưa các trang, thiết bị khám, chữa bệnh về với buôn trong thời gian sớm nhất. Vừa xuống xe, các bạn trẻ nhanh chóng bắt tay vào công việc đã chuẩn bị và phân công từ trước: khám bệnh, kê đơn thuốc, tư vấn sức khỏe, trò chuyện với người dân. Gần một ngày ở buôn, mọi người say sưa làm việc bằng sự nhiệt tình, tâm huyết và đầy trách nhiệm…
Các y, bác sĩ thăm hỏi sức khỏe, bệnh tật của người già. |
Mỗi lần ốm đau, bà H’Mun Byă (83 tuổi) lại phải nhờ người thân chở ra Trạm y tế xã Cư Pui, cách nhà khoảng 10 km để khám bệnh. Vì tuổi cao, sức yếu, đường xá gập ghềnh nên ra được trung tâm xã đối với bà H’Mun là hết sức vất vả. Nhiều lúc rất mệt, nhưng vì thương các con còn phải lo công việc nương rẫy nên bà lặng thinh chịu đựng. Nay biết tin có đoàn y, bác sĩ trẻ về buôn khám, chữa bệnh miễn phí, bà mừng lắm. Đưa cánh tay gầy gò lên cho bác sĩ khám, bà xúc động: “Bà đau nhức toàn thân, nhất là hai cánh tay, mỏi và đau lắm. Mấy ngày nay không ăn uống được gì nên người yếu dần, đi lại khá khó khăn. Thấy mấy cô chú này (các y, bác sĩ) hỏi han tình hình bệnh tật, khuyên bà chịu khó uống thuốc, ăn uống điều độ… khiến bà rất cảm động”.
Là một trong những đối tượng được ưu tiên khám bệnh đầu tiên, bé H’On Byă (9 tháng tuổi) được mẹ ẵm trên tay khóc ngằn ngặt. H’On bị đau bụng 3 ngày rồi, mẹ em hỏi thăm hết người này đến người khác và lên rẫy hái nhiều loại lá về nấu cho em uống mà bệnh vẫn không đỡ. Chỉ khi được các bác sĩ khám và cấp thuốc, mẹ H’On mới biết “cách điều trị” của mình có thể nguy hại đến tính mạng của con. Chị rơm rớm nước mắt: “Bác sĩ không chỉ bắt đúng bệnh, mà còn chỉ bày cho tôi cách sử dụng liều lượng thuốc hợp lý… Nếu không có bác sĩ, chắc tôi vẫn chưa biết phải làm gì để con hết ốm. Từ nay, tôi sẽ không thờ ơ với bệnh tật của con như thế này nữa”…
Bà H’Mun Byă và bé H’On Byă chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp được các y, bác sĩ tận tình khám, chữa bệnh. Nhiều người ốm đau phờ phạc, nhưng nhìn thấy nụ cười hiền từ, cùng sự chân thành, lễ phép của các bác sĩ khiến họ như quên đi nỗi đau của bệnh tật. Ông Y Hiêng Niê (70 tuổi) vui vẻ: “Không chỉ tôi mà bà con buôn Dak Tua đều thấy vui. Cám ơn sự nhiệt tình của các y, bác sĩ đã không quản đường xa đến khám chữa bệnh miễn phí, tình cảm quý giá ấy bà con khó mà quên được”.
Tuy thời gian đến với bà con không lâu, nhưng đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Sở Y tế đã khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 200 bệnh nhân nghèo. Bên cạnh đó, bà con còn được hướng dẫn cách vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe, chăm sóc con cái…
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch xã Cư Pui cho biết, xã Cư Pui nói chung và buôn Dak Tua nói riêng còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt đời sống. Riêng buôn Dak Tua có 115 hộ với 665 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc thiểu số, sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, một phần do trình độ dân trí còn thấp, phần do kinh tế chưa phát triển nên cuộc sống khá nghèo nàn…. Ông nhấn mạnh: “Chính vì thế nên việc các bạn đoàn viên, thanh niên về với buôn Dak Tua – địa bàn căn cứ cách mạng không chỉ mang ý nghĩa giáo dục chính trị, tư tưởng mà còn tạo thêm niềm vui lớn cho bà con nơi đây. Mọi hoạt động: dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, trồng cây xanh, trao học bổng cho học sinh nghèo… đều rất ý nghĩa, đặc biệt là khám, chữa bệnh miễn phí. Tấm lòng, sự yêu thương của các bạn đã giúp đỡ bà con vùng sâu vùng xa về cả vật chất lẫn tinh thần”.
Với khao khát cống hiến và ngọn lửa nhiệt tình của tuổi trẻ, đội ngũ y, bác sĩ nói riêng và Đoàn thanh niên Cụm thi đua số 4 nói chung không chỉ mang niềm vui đến với bà con Dak Tua mà còn đến các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Những dấu ấn mà các bạn trẻ để lại trên hành trình về với cội nguồn được bà con ghi nhận, yêu mến và ủng hộ nhiệt tình.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc