Những người "nhặt sạn, khơi trong"
Tôi còn nhớ mãi ngày xuống nhận nhiệm vụ biên tập tin bài của cộng tác viên cách đây 7 năm, lúc ấy một anh đồng nghiệp thuộc thế hệ những người đi trước đã khuyên tôi rằng: Trong quá trình biên tập, thông tin nào chưa rõ, từ ngữ nào chưa tỏ, phải trao đổi lại với tác giả, thậm chí phải sử dụng đến cả từ điển tiếng Việt để tra cứu. Thực sự bắt tay vào công việc, biên tập nhiều thể loại tin, bài ở nhiều lĩnh vực khác nhau tôi mới thấy bí quyết, “bảo bối” anh mách cho vô cùng hiệu quả. Công việc “nhặt sạn” trong mỗi bản thảo không chỉ có chuyện chỉnh sửa câu từ mà quan trọng và khó khăn hơn cả có lẽ là việc cảm nhận, đánh giá, thẩm định bản thảo ngay từ khi tiếp nhận, bởi điều đó sẽ quyết định hướng xử lý, biên tập tin, bài ấy. Mỗi lần đặt bút sửa lên tác phẩm – đứa con tinh thần của mỗi tác giả, chúng tôi luôn luôn phải tìm cho được câu trả lời cho câu hỏi tại sao lại phải sửa. Không biết bao nhiêu lần tôi cùng các đồng nghiệp đã tranh luận đơn giản chỉ xung quanh việc dùng dấu câu nào cho phù hợp với câu văn ấy, tít bài ấy. Đơn giản nhưng lại không hề giản đơn bởi thực tế dấu câu dùng không chính xác trong từng bối cảnh, tình huống có thể sẽ dẫn đến hiểu sai tính chất và thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải. Trong nghề chúng tôi thường nói vui với nhau rằng, khó nhất và dễ để “lọt sàng”, nhất là có những “hạt sạn” thông thường đọc qua ta không phát hiện thấy. Không biết có phải vậy mà đôi khi tôi cảm nhận nhiều bản thảo biên tập viên phải “gặm nhấm” từng con chữ, thậm chí đoán định cả những suy nghĩ của bạn đọc khi đón đọc tác phẩm ấy, ở câu chữ ấy như thế nào. Ngoài việc kiểm định, tra cứu thông tin bằng từ điển, qua các công cụ tìm kiếm trên Internet hay trực tiếp trao đổi với tác giả và đồng nghiệp, chúng tôi còn nhận được sự trợ giúp tích cực từ chính các chuyên gia ở các ngành, các lĩnh vực khi có những băn khoăn nhất là về mặt thuật ngữ chuyên ngành cần hiểu rõ.
Một trong những công đoạn quan trọng để tìm nhặt lại những “hạt sạn” còn sót trước khi tác phẩm báo chí trình làng, ấy là khâu sắp chữ, đọc mo-rát. Tưởng là công việc đơn giản, chỉ thuần túy chỉnh sửa trên cơ sở đối chiếu với bản thảo nhưng thực tế lại muôn hình vạn trạng. Mỗi ngày đọc, đối chiếu hàng ngàn con chữ, của nhiều tác giả khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và đặc biệt để bảo đảm kế hoạch phát hành, kể cũng là một áp lực không nhỏ. Có dịp được đồng hành cùng các anh các chị kỹ thuật viên, nhân viên mo-rát – những người thực hiện các công đoạn cuối cùng trước khi báo đưa in, tôi đã phần nào cảm nhận được vất vả, khó khăn của họ. Khi thành phố đã lên đèn, mỗi tổ ấm yêu thương đã sum vầy bên mâm cơm gia đình, họ vẫn cần mẫn, tỷ mẩn chỉnh sửa từng con chữ theo bản thảo. Rồi có những lúc chỉ vì lấn cấn, băn khoăn một từ, một thông tin nào đó trong tin, bài của số báo ngày hôm sau, dù đã đi xe gần về tới nhà, đêm cũng đã khuya nhưng các anh chị vẫn không ngần ngại quay xe lại cơ quan để kiểm tra một lần nữa. Chăm chút, thận trọng với từng bản thảo, từng trang báo lên khuôn nhưng nỗi canh cánh còn sót những “hạt sạn” chỉ được hóa giải khi mỗi số báo phát hành không có những sai sót.
Chẳng thể kể hết những tiểu tiết trong công việc của những người “nhặt sạn” ấy. Và có lẽ cũng chẳng có tài liệu, trường học nào hướng dẫn được đầy đủ, toàn vẹn về mọi tình huống, trường hợp trong quá trình xử lý, biên tập, phát hiện các sai sót của mỗi bản thảo. Chỉ có thể là “nghề dạy nghề” và yếu tố luôn cần ở những người “nhặt sạn, khơi trong” chính là tính cẩn trọng, chỉn chu đối với từng bản thảo để cố gắng mỗi tác phẩm báo chí đến với độc giả sẽ thực sự là món ăn tinh thần hoàn chỉnh nhất.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc