Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể trong cho vay vốn chính sách

04:36, 10/06/2015
Song song với việc phát triển mạng lưới, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tận dụng tốt các tổ chức chính trị xã hội để thực hiện nhiệm vụ cho vay. Cách làm này không chỉ giúp ngân hàng có được kết quả kinh doanh tốt mà còn mang lại cơ hội thoát nghèo cho các đối tượng chính sách.
Một hộ dân tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar thoát nghèo  nhờ vốn vay từ NHCSXH.
Một hộ dân tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar thoát nghèo nhờ vốn vay từ NHCSXH.

NHCSXH tỉnh đang triển khai đồng thời 11 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ trên 3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có đến 98,9% dư nợ được thực hiện thông qua các tổ chức chính trị - xã hội các cấp như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh. Trong đó, Hội Nông dân quản lý 56.684 hộ và có số dư nợ cao nhất, với trên 1.070 tỷ đồng, chiếm 35% tổng dư nợ; Hội Phụ nữ quản lý 56.348 hộ, dự nợ trên 1.067 tỷ đồng, chiếm 34,9%; Hội Cựu chiến binh quản lý 25.831 hộ, dự nợ trên 486 tỷ đồng, chiếm 16%; Đoàn Thanh niên quản lý 23.484 hộ, với dư nợ trên 433 tỷ đồng, chiếm 14% tổng dư nợ. Chất lượng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức trên không chỉ luôn được bảo đảm khi nợ quá hạn chỉ ở mức 0,48% mà còn bảo đảm đúng mục đích và phát huy hiệu quả sử dụng vốn. Vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh hằng năm đã góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần giảm hộ nghèo của tỉnh từ 81.053 hộ (chiếm tỷ lệ 20,82%) năm 2011 xuống còn 41.593 hộ (chiếm 10,02%). Bên cạnh đó, nhờ sự sâu sát của các tổ chức đoàn thể - xã hội đối với nguồn vốn vay, tỷ lệ thu lãi hằng năm đều đạt 98% trở lên. Trong số các tổ chức chính trị - xã hội, vốn vay chính sách đặc biệt phát huy vai trò đối với lực lượng thanh niên. Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đặng Gia Duẩn, lực lượng thanh niên luôn mang trong mình khát vọng làm giàu, nhưng lại là lực lượng khó tiếp cận vốn nhất do họ không có tài sản thế chấp. Thế nhưng, nhờ tổ chức Đoàn các cấp đứng ra tín chấp, bảo vệ các mô hình kinh tế của thanh niên với NHCSXH nên rất nhiều thanh niên đã tiếp cận được vốn vay với lãi suất ưu đãi để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, vốn vay từ NHCSXH tỉnh cũng đã giúp nhiều học sinh, sinh viên có điều kiện học tập thông qua chương trình cho vay học sinh, sinh viên. Anh Đặng Gia Duẩn cho rằng, mặc dù đã có những ưu đãi nhất định, nhưng nếu đầu tư vốn các chương trình tín dụng chính sách hợp lý hơn, nâng mức cho vay, phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông... thì sẽ giúp thanh niên có điều kiện giảm nghèo nhanh và bền vững hơn nữa. Trong khi đó, với cách làm của riêng mình, các đoàn thể khác cũng đã giúp các đối tượng chính sách tiếp cận và phát huy tốt hiệu quả vốn vay từ NHCSXH. Chị Phạm Thị Nữ, Chi hội Phụ nữ thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría (Lak) cho biết, từ khi có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH tỉnh, Hội Phụ nữ xã đã giúp chị em thực hiện các thủ tục vay vốn theo quy định, đồng thời thường xuyên tổ chức giám sát vốn vay bảo đảm đúng mục đích. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tỷ lệ thoát nghèo của chi hội đã lên đến trên 60%, đời sống nhiều hộ gia đình trong thôn dần khởi sắc.

Có thể nói, các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần quan trọng vào sự thành công của NHCSXH tỉnh trong thời gian qua. Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Tử Ân, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn do cộng đồng dân cư thành lập, kết thành mô hình quản lý hiệu quả kênh tín dụng chính sách. Trong đó, ngân hàng rất coi trọng hoạt động các tổ chức chính trị - xã hội, bởi vừa tận dụng được nhân tài, vật lực, tiết kiệm chi phí quản lý vừa là giải pháp chiến lược lâu dài, quyết định sự phát triển bền vững có hiệu quả đối với hoạt động của NHCSXH.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc