Phóng viên và facebook
Mạng xã hội facebook vừa giúp phóng viên có nguồn tin vừa đưa thông tin của toà soạn đến với nhiều bạn đọc. |
Có thể kể ra một số ví dụ như: Những thông tin, hình ảnh đầu tiên về vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên Quốc lộ 14 đoạn qua cầu Ea Khanh, huyện Ea H’leo ngày 21-4 vừa qua được đăng sớm nhất trên tài khoản facebook của một người dân sống tại thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo. Từ đây, một số phóng viên đã liên lạc điện thoại và commnet (phản hồi) qua facebook của người này để có thông tin ban đầu gửi về tòa soạn trước khi lên đường xuống hiện trường. Hay như tin “Nhiều diện tích cây trồng ở xã Ea Kly bị ngập” đăng trên Báo Dak Lak điện tử ngày 24-6-2014 cũng được khai thác nguồn tin từ facebook của một người dân địa phương. Sau khi có thông tin, hình ảnh ban đầu về sự việc, phóng viên đã liên lạc với lãnh đạo UBND xã Ea Kly (Krông Pak) để thu thập những thông tin cụ thể về sự việc nhằm kịp thời phản ánh đến bạn đọc ngay trong ngày…
Bên cạnh là nguồn tin hữu ích ban đầu, sự có mặt của mạng xã hội đã góp phần làm cho nhà báo, tờ báo gần gũi hơn với độc giả. Cụ thể, nhằm phục vụ cho bài viết, một số phóng viên, nhà báo có thể thực hiện việc khảo sát, điều tra xã hội học thông qua facebook của mình hoặc có thể trao đổi trực tiếp với các thành viên mạng để có thêm thông tin, tài liệu, nhân vật và hình thành ý tưởng cho tác phẩm của mình. Cùng với thu nhận thông tin, mạng xã hội cũng là nơi để các nhà báo có thể giới thiệu các bài viết, chia sẻ quan điểm, suy nghĩ của mình và tiếp thu ý kiến phản hồi để có thể hoàn thiện thêm kỹ năng, nghiệp vụ nghề nghiệp và nắm bắt những khía cạnh khác của vấn đề đã phản ảnh, những câu chuyện, thông tin, nhân vật có liên quan nhằm có thêm chất liệu trong quá trình làm nghề. Đồng thời, việc giới thiệu bài viết trên mạng xã hội cũng giúp thông tin của tòa soạn đến được với nhiều độc giả hơn và qua đó, tòa soạn có thể là cầu nối để những sẻ chia, giúp đỡ của bạn đọc đến với những số phận, mảnh đời thiếu may mắn…
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc