Phụ nữ huyện Cư M'gar chung tay bảo vệ môi trường
“Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” là một trong những tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” có sức hút mạnh mẽ, lan tỏa trên địa bàn huyện Cư M’gar. Từ nhận thức và hành động đúng đắn, nhiều hộ gia đình đã và đang góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
Đoạn đường phụ nữ tự quản ở tổ dân phố 3A (thị trấn Quảng Phú) luôn sạch, đẹp. |
Thay vì đóng tiền thu gom rác 15 nghìn đồng/tháng như ở thị trấn Quảng Phú, tại thôn 3, xã Cư Dliê M’nông, bà con bảo vệ môi trường bằng việc tự đào hố xử lý rác thải, tiến hành thu gom thường xuyên và phân loại để tiện tái sử dụng, cụ thể như, các loại rác hữu cơ sẽ được dùng làm phân bón, còn rác vô cơ được gom lại và đưa đến điểm tập kết rác để xử lý. Đến nay, việc thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, nhà ở, chuồng nuôi gia súc, gia cầm đã trở thành thói quen của nhiều gia đình. Chị Nguyễn Thị Bình (Chủ tịch Hội phụ nữ xã) phấn khởi: “Mô hình xử lý rác ở thôn 3 đi vào hoạt động từ cuối năm 2013. Lúc mới triển khai, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn vì nhiều hộ vẫn không muốn thay đổi nếp sống, sinh hoạt. Tuy vậy, thông qua các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, hiện nay 100% hộ gia đình ở chi hội thôn đã có hố rác, trong đó khoảng 30% hộ đào 2 hố để phân loại rác thải, nhờ vậy mà môi trường sống ở địa phương luôn sạch sẽ, thoáng mát”.
Mỗi nơi có cách triển khai và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác nhau, nhưng cùng chung mục đích xử lý hiệu quả rác thải, tránh hiện tượng ô nhiễm. Chẳng hạn, tại xã Ea Tul, hội viên giúp nhau đào hầm cầu bằng cách luân phiên 10 chị hỗ trợ 1 chị; hay Hội phụ nữ xã Ea M’nang phối hợp Đoàn thanh niên địa phương đào hố rác cho các hộ già yếu, gia đình neo đơn, bệnh tật, chính sách…, từ đầu năm đến nay đã đào được gần 20 hố rác, giúp các gia đình bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, để thực hiện tốt tiêu chí 3 sạch, các chi hội phụ nữ thường xuyên hướng dẫn, vận động các gia đình, đặc biệt các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn chưa có công trình vệ sinh, đào hố và tận dụng các vật liệu có sẵn như: ván, tre, nứa, bạt che để làm nhà vệ sinh. Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, Hội đã vận động được gần 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã: Ea Kuếch, Ea Tul, Cuôr Đăng, Ea M’Droh làm nhà vệ sinh. Chị Võ Thị Nông (cán bộ Hội phụ nữ huyện) tâm sự: “Thay đổi nếp sinh hoạt của một gia đình không phải dễ dàng. Đơn giản như việc để chung áo quần đã mặc và chưa mặc hay cách thu gom rác thải… nghe thì dễ dàng vậy, nhưng chúng tôi phải phân tích thấu tình đạt lý, thậm chí lấy bản thân ra làm ví dụ thì bà con mới tin tưởng và thực hiện được”.
Với các hình thức vận động: mỗi hộ tự ý thức thu gom, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa và xung quanh khu vực sinh sống; đào hố xử lý rác; 10 chị giúp đỡ 1 chị; chi hội cùng đoàn viên, thanh niên giúp người neo đơn, người già làm nhà vệ sinh, đào hố rác… Hội LHPN huyện Cư M’gar đã và đang đưa hoạt động bảo vệ môi trường lan tỏa sâu rộng, tiếp tục đi vào đời sống của các gia đình, cộng đồng. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường, hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc