Phụ nữ huyện Krông Pak phát huy nội lực giảm nghèo bền vững
Chị Trịnh Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Mỗi năm, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác theo một chuyên đề, nhưng Hội Phụ nữ huyện đều chọn thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững bởi xét cho cùng kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc là mục tiêu mà chị em hướng tới”. Ngoài vận động mỗi hội viên tiết kiệm ít nhất 5.000 đồng/tháng để hưởng ứng đợt thi đua cao điểm kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi ái quốc, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn còn vận động chị em ở các chi, tổ hội tiết kiệm bằng cách: “Nuôi heo đất”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Tổ tín dụng tiết kiệm”, “Tổ hùn vốn”… để giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Tham quan mô hình trồng hồ tiêu của gia đình bà Mai Thị Thư ở thôn 14 (xã Krông Buk). |
Việc thực hành tiết kiệm xuất phát từ nhu cầu tự thân nên nhanh chóng được chị em phụ nữ 100% chi, tổ hội ủng hộ, trở thành phong trào và có sức lan tỏa sâu rộng. Đến nay, 16 cơ sở hội đã thành lập, duy trì 736 tổ, nhóm tiết kiệm, thu hút trên 32.500 hội viên tham gia (chiếm trên 87% tổng số hội viên), với số tiền tiết kiệm trên 8 tỷ đồng, cho trên 14.700 lượt chị vay. Đáng nói là nhiều chi, tổ hội phụ nữ có trên 95% hội viên tham gia thực hành tiết kiệm từ 2-5 loại hình khác nhau, với số quỹ tiết kiệm đạt từ 20 đến 150 triệu đồng. Nhờ nguồn quỹ “thực hành tiết kiệm”, nhiều chị em phụ nữ nghèo được chia sẻ về tinh thần, hỗ trợ vật chất, có thêm động lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, ý thức thực hành tiết kiệm của chị em phụ nữ được nâng lên rõ rệt, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số. Chị Đinh Thị Quyết (dân tộc Tày), Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea K’ly – một điển hình về học tập và làm theo Bác tâm sự: “Là đảng viên, cán bộ Hội Phụ nữ phải nêu gương trước hội viên, quần chúng về thực hành tiết kiệm, trước hết là tiết kiệm sử dụng tài sản công ở cơ quan, tiết kiệm chi tiêu hằng ngày ở gia đình”. Là người “vun vén” mọi việc trong gia đình, chị Quyết cùng chồng tận dụng phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp phát triển chăn nuôi heo, gà để tăng thêm thu nhập. Ban đầu chỉ nuôi vài con để “khỏi lãng phí thức ăn dư thừa”, về sau chị Quyết tăng dần đàn heo lên trên 20 con, mỗi lứa cho thu nhập vài chục triệu đồng. Chị Quyết chân tình: “Tôi động viên mình và động viên chị em: “Nghèo nên phải tiết kiệm”. Không giống như ở đô thị “đất chật, người đông”, hầu hết mỗi gia đình ở nông thôn đều có vài trăm mét vuông đất canh tác, cố gắng tận dụng để trồng thêm cây rau, nuôi con heo, con gà… trước là cải thiện bữa ăn cho gia đình, sau đó tăng thêm thu nhập”. Nghe chị Quyết nói, nhìn cách chị Quyết làm, nhiều phụ nữ ở xã Ea K’ly đã học tập theo, nhờ đó có cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 200 hộ/4.478 hộ (chiếm 4,1%). Đáng trân trọng, qua phong trào thực hành tiết kiệm làm theo Bác, năm 2013 Hội Phụ nữ xã đã hỗ trợ một hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm nhà “Mái ấm tình thương” trị giá 25 triệu đồng. Mới đây, chị em phụ nữ xã Ea K’ly tiếp tục hỗ trợ 15 triệu đồng (cùng với 15 triệu đồng của Hội Phụ nữ huyện được trích từ Quỹ thực hành tiết kiệm) cho một cán bộ hội ở thôn 9 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm nhà “Mái ấm tình thương”.
Để tạo nguồn vốn cho nhiều hộ nghèo có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội Phụ nữ huyện còn tăng cường hoạt động khai thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 81 tỷ đồng, giải quyết cho 6.000 lượt hộ vay. Cùng với đó, Hội còn tiếp nhận các nguồn vốn xoay vòng của Trung ương Hội, Hội LHPN tỉnh và Dự án nước sạch của Chính phủ Đan Mạch gần 1 tỷ đồng cho 100 gia đình vay xây dựng công trình vệ sinh, phát triển sản xuất chăn nuôi. Chị Trịnh Thị Oanh quả quyết: “Giúp phụ nữ giảm nghèo bền vững là việc làm thường xuyên, việc tranh thủ nguồn hỗ trợ các kênh đóng vai trò bà đỡ, mấu chốt là bằng nội lực. Vì vậy, Hội Phụ nữ huyện tiếp tục tuyên truyền chị em thực hành tiết kiệm, tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại, có như vậy công tác giảm nghèo mới bền vững”.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc