Multimedia Đọc Báo in

Tâm tình cộng tác viên

06:54, 21/06/2015

Lực lượng cộng tác viên có phần đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển của Báo Dak Lak trong những năm qua. Dù công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ở nhiều địa phương khác nhau song tất cả họ đều có chung một niềm đam mê viết báo và tinh thần trách nhiệm với bạn đọc, với xã hội...

Dù đã ở cái độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Phạm Duy (thôn Hòa Nam 2, xã Ênuôl, huyện Buôn Đôn) vẫn thường ghé tòa soạn Báo Dak Lak, đôi khi để gửi bài, xin báo hoặc đơn giản chỉ là ghé qua thăm phóng viên, biên tập viên của báo. Tính đến nay, ông Duy đã làm cộng tác viên của Báo Dak Lak gần 20 năm, ông coi tòa soạn như ngôi nhà thứ hai và phóng viên, biên tập viên như những người thân thiết của mình. Vốn là giáo viên nghỉ hưu, về nhà làm nghề thuốc gia truyền và sinh hoạt tại Hội Đông y huyện Buôn Đôn, ông Duy còn có thêm niềm đam mê viết lách, với động lực thôi thúc là phản ánh những điều “trái tai, gai mắt” vẫn thấy thường ngày, hoặc chia sẻ những bài thuốc đông y hữu ích cho mọi người. Những bài thuốc gia truyền dễ làm với các vị thuốc dễ kiếm, nhất là các bài thuốc chữa rắn cắn mà ông Duy chia sẻ trên Báo Dak Lak thực sự rất hữu ích, được nhiều bạn đọc quan tâm. Đến nay, dù mười mấy năm đã trôi qua, ông Phạm Duy vẫn còn gìn giữ tờ báo có đăng bài phản ánh (bằng thơ) đầu tiên của mình. Ông bảo bài thơ viết về nỗi khổ của người dân phải sống trong cảnh bụi bặm vì hai máy xát đá bên đường đã được biên tập viên của báo sửa thật kỹ, lại trao đổi với ông hướng sửa và cho đăng. Từ đó đến nay, có gì thôi thúc muốn viết ông lại gửi cho Báo Dak Lak. Mỗi một bước phát triển của tờ báo tỉnh nhà đều khiến ông rất vui. Ông Duy chia sẻ: “Tôi mừng vì thấy tờ báo ngày càng đẹp hơn, có nhiều bài viết chất lượng hơn. Nhiều bài báo đã bám sát thực tế cuộc sống với những thông tin hữu ích cho người đọc. Mong rằng Báo Dak Lak tiếp tục phát huy được như thế”.

Anh Nguyễn Trung Hải (huyện Cư M'gar)  và chị Minh Nhật (huyện Buôn Đôn) là hai trong số những cộng tác viên xuất sắc của Báo Dak Lak.
Anh Nguyễn Trung Hải (huyện Cư M'gar) và chị Minh Nhật (huyện Buôn Đôn) là hai trong số những cộng tác viên xuất sắc của Báo Dak Lak.

Đến dự buổi gặp mặt cộng tác viên của Báo Dak Lak (vừa được tổ chức vào đầu tháng 6-2015), chị Trương Thị Hiền (giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên) không đi một mình mà đi cùng chồng và cha. Bởi vợ chồng chị và cha chị đều cùng là những cộng tác viên thân thiết của tờ báo từ lâu. Là giảng viên đại học, Trương Thị Hiền là cái tên xuất hiện nhiều trong những chuyên mục như “Suy ngẫm”, “Thấy và ngẫm” đòi hỏi tính suy luận, chiêm nghiệm sâu sắc. Chị bắt đầu cộng tác với Báo Dak Lak từ năm 2010, bắt nguồn từ niềm đam mê viết lách và cảm hứng do người cha – nhà giáo Trương Tử Kỳ, một cộng tác viên lâu năm của báo – truyền sang. Cứ có thời gian rảnh là chị lại viết bởi những ý tưởng luôn đầy ăm ắp trong đầu. Giảng dạy chuyên ngành xã hội học, chị Hiền thường liên hệ nhiều vấn đề lý thuyết vận dụng vào thực tiễn với những suy nghĩ sâu sắc, mang tính chiêm nghiệm, phân tích một cách logic, sắc sảo. Chị Hiền tâm sự: “Do quen phong cách viết theo văn phong khoa học, nghiên cứu nên những câu văn trong các bài viết của tôi thường ngắn ngọn, dứt khoát. Mỗi khi đặt bút viết bài cho báo, tôi phải cố gắng hành văn làm sao cho những vấn đề mà mình đề cập đến dễ hiểu, đại chúng để mọi người có thể hiểu được. Ngoài ra, phải suy nghĩ, tìm tòi từ ngữ sao cho thật chính xác. Viết và gửi bài cho Báo Dak Lak đã trở thành một thói quen, thành niềm đam mê”.

Công tác tại Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Ea Súp – một trong hai huyện biên giới của tỉnh, trong những năm qua anh Phan Ba đã gửi cho Báo Dak Lak nhiều tin, bài phản ánh kịp thời về các hoạt động, cũng như những thông tin “nóng” tại địa phương. Anh chia sẻ: “Làm báo là cái nghề đòi hỏi sự đam mê. Việc tác nghiệp ở cơ sở rất khó khăn, nhất là khi tìm hiểu, lấy tư liệu về những sự kiện “nóng”, những biểu hiện tiêu cực, mặt trái bởi một số hạn chế nhất định. Vì thế, dù là nhà báo chuyên nghiệp hay không chuyên như cộng tác viên - theo cách nói vui là “nhà báo huyện” - đều cần có niềm đam mê với nghiệp cầm bút, trăn trở với những đề tài mình phản ánh”. Tâm sự của anh Phan Ba có lẽ cũng là suy nghĩ, cảm nhận của hầu hết người cầm bút. Bởi các bài viết của đội ngũ cộng tác viên được đăng tải trên Báo Dak Lak trong những năm qua không chỉ nêu gương tốt, biểu dương điển hình hay mà còn phản ánh, đề cập đến những vấn đề nổi cộm của xã hội, đấu tranh thẳng thắn với những biểu hiện tiêu cực, mặt trái, đặc biệt là những phản ánh thực tế sống động từ cơ sở, là “đầu nguồn” của nhiều sự kiện “nóng”…

Không chỉ viết tin, bài phản ánh thời sự, nhiều cộng tác viên đã có những kiến nghị, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc của cơ sở; qua đó giúp cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương có thêm thông tin, cơ sở trong việc hoạch định, thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển địa phương, đơn vị mình. Vừa tham gia công tác quản lý, vừa làm công việc chuyên môn, chị Hồ Thị Cẩm Lai (Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những cộng tác viên tích cực của Báo Dak Lak đã có nhiều bài viết với những vấn đề phản ánh rất thiết thực, gần gũi với bà con nông dân. Chị tâm sự: “Đọc bài viết về những mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đăng trên báo, nhiều bạn đọc, các tổ chức, cá nhân đã gọi điện, liên lạc với chúng tôi để trao đổi, tìm hiểu và áp dụng, nhân rộng mô hình vào thực tiễn sản xuất. Hoặc đối với những vấn đề chúng tôi thấy còn trăn trở, cần lên tiếng cảnh báo cho bà con nông dân cẩn trọng hơn, chẳng hạn như về phát triển  cây hồ tiêu, cây mắc ca... Sau khi các bài viết được đăng trên Báo Dak Lak, bà con nông dân đã gọi điện, liên hệ để nêu lên thắc mắc, tìm hiểu kỹ hơn... Tôi tự thấy đó cũng là thành công, là niềm hạnh phúc lớn lao của một cộng tác viên”.

Cuộc gặp mặt với những “đồng nghiệp” – cộng tác viên không chuyên của nghề báo do Báo Dak Lak tổ chức đã để lại cho anh Trọng Tính (Phòng PX 15 - Công an tỉnh) nhiều cảm xúc cùng với những suy tư, trăn trở về trách nhiệm của một người viết. Xin mượn những bộc bạch của cộng tác viên Trọng Tính như lời kết cho bài viết này: “Dẫu cộng tác viên của báo có nghề nghiệp, chuyên môn khác nhau nhưng đều xem nhau như những “đồng nghiệp” làm báo thực sự, thông cảm và chia sẻ với nhau nhiều câu chuyện về viết báo. Nghe những tâm sự của một số “đồng nghiệp”, tôi đã “vỡ” ra một điều: Hóa ra, trách nhiệm với xã hội không gói gọn trong phạm vi nghề nghiệp của một ai đó – dẫu rằng, hoàn thành những nghĩa vụ, trách nhiệm trong phạm vi vị trí, chức năng, công việc của mình đã là tốt. Trong số cộng tác viên của Báo Dak Lak, nhiều người công tác trong các ngành như: giáo dục, quân đội, công chức, viên chức, cơ quan Đảng, chính quyền, làm nghệ thuật... nhưng bằng tấm lòng, trách nhiệm với cộng đồng, tin, bài viết, ảnh của họ đã không còn thuần túy là những thông tin về nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ thuần túy mà vươn ra ngoài xã hội, đầy trăn trở với thực tế. Những câu chuyện của họ về xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ sở giúp cho cấp thẩm quyền và cơ quan chức năng có thêm một góc nhìn đa chiều về thực tế để điều chỉnh cơ chế cho phù hợp hơn; về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần giúp người nông dân, doanh nghiệp có thêm nguồn tài liệu hoặc sự định hướng nhằm tăng thêm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Những tin, bài phản ánh về những mảnh đời bất hạnh, những số phận không may mắn đã có sức lay động mạnh mẽ đến những trái tim nhân hậu, những tấm lòng thương người. Để rồi cùng với Báo Dak Lak, chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trường học, nhà hảo tâm đã góp sức làm thay đổi đáng kể điều kiện học tập của nhiều học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa; nhiều thân phận éo le, ngặt nghèo cũng nhờ đó mà đã thay đổi, tốt lên hơn nhiều trong đời sống, được truyền thêm sức mạnh để vươn lên và tin tưởng hơn vào nhân bản của cuộc đời...”.

Lan Anh - Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc