Multimedia Đọc Báo in

"Viết, sáng tác" về Bác thấy mình trưởng thành lên!

15:16, 28/06/2015

430 tác phẩm tham gia Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ  thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đợt 2 (giai đoạn 2013-2015) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin & Truyền thông phối hợp tổ chức cho thấy đề tài này thực sự thu hút, hấp dẫp giới báo chí, văn nghệ sĩ trong tỉnh.

Qua 4 đợt phát động từ năm 2011-2014, có hơn 1.640 tác phẩm thuộc các thể loại: báo chí (phát thanh, truyền hình, báo in), văn học, hội họa… tham gia dự thi. Mỗi nhà văn, nhà báo có góc nhìn, cách thể hiện khác nhau, nhưng tất cả là sự kết tinh từ tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ và trách nhiệm công dân của các văn nghệ sĩ, nhà báo. Điều đó khẳng định Cuộc vận động đã có hiệu quả xã hội nhất định, góp phần tô đậm thêm lòng cảm phục, tình cảm của các tầng lớp nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao ý thức tự giác, tinh thần tự nguyện rèn luyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Không dừng ở số lượng, qua các tác phẩm cho thấy người cầm bút, cầm máy đã đầu tư thời gian, công sức tìm tòi, phát hiện, thâm nhập thực tế để khai thác, thể hiện đề tài sinh động, chân thật, hấp dẫn. Trong quá trình thể hiện có sự trau chuốt về văn phong, từ ngữ, cú pháp, để tác phẩm phản ánh đúng, lột tả được phong cách, tấm gương trong sáng, cao cả về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát hiện, phản ánh khá thuyết phục các gương điển hình trong học tập, làm theo tấm gương của Bác. Nhóm tác giả Xuân Hòa - Quang Huy (Đài PT-TH tỉnh), đoạt giải A đợt sáng tác, quảng bá đợt 2 chia sẻ: “Đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo viết về Bác, song không vì thế mà mình bị “ngợp” trước đề tài này. Trái lại, khi phát hiện một vài cá nhân may mắn được gặp, nghe Bác căn dặn, hay chỉ nhìn thấy Bác qua hình ảnh, qua lời kể, đọc sách, báo nhưng với lòng kính trọng nên đã dành thời gian, công sức sưu tầm, cất giữ cẩn thận hàng trăm ảnh Bác. Đặc biệt hơn, những nhân vật này lại có cùng một suy nghĩ đó chỉ là đam mê, là thú vui cá nhân, không phải để “khoe mẽ”, sau khi thuyết phục mãi các nhân vật mới đồng ý cho viết bài”. Nhà báo Xuân Hòa cho biết thêm: “Cái khó là thể hiện chủ đề về Bác như thế nào để khán, thính giả tiếp nhận tác phẩm nhẹ nhàng nhưng gợi nhiều suy cảm. Trăn trở, cuối cùng tôi quyết định chọn cách thể hiện bài viết đơn giản, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực như Bác vẫn dạy, có lẽ vậy tác phẩm “Tháng 5 nhớ Bác!” được khán, thính giả tiếp nhận nhẹ nhàng, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc”.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao Giấy chứng nhận cho các tác giả đoạt giải.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao Giấy chứng nhận cho các tác giả đoạt giải.

 Với mỗi nhà báo, nhà văn đều có cách tiếp cận, khai thác đề tài này rất riêng, vì vậy Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phản ánh khá toàn diện. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí không dừng lại ở mức độ giản đơn là kể chuyện “người tốt, việc tốt” mà hơn thế, đã xây dựng thành  công những nhân vật điển hình “làm theo lời Bác” không áp đặt khiên cưỡng và có sức thuyết phục cao. Đó là nghĩa cử cao đẹp của bác sĩ Thạch Thị Thắng (Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh) không ngần ngại hiến máu của mình để truyền, cứu sống một sản phụ trong cơn nguy kịch, được thể hiện trong tác phẩm “Học Bác từ những điều giản dị”- tác giả Nguyễn Việt Cường, Lê Thành hay thầy giáo Phạm Đức Tùy đã dành trọn tuổi thanh xuân cho giáo dục vùng sâu trong những năm đầu đất nước vừa thống nhất, được tái hiện trong loạt bài của tác giả Trần Ai “Hết lòng vì giáo dục vùng cao”,“Gan dạ, mưu trí chống âm mưu bạo loạn”,“Cảm hóa bằng tấm lòng”. Tác giả Lã Hồng Thủy qua bài viết “Khi cán bộ góp tiền giúp dân” đã cho bạn đọc thấy sự gương mẫu, đi đầu, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của cán bộ đảng viên khi họ tiết kiệm tiền lương ít ỏi để giúp đỡ người nghèo. Đó còn là tình thương dành cho học sinh vùng khó, các thầy giáo, cô giáo với nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nghề đã vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn để bám trường, bám lớp, “cõng” từng con chữ đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Cư San, một xã vùng sâu của huyện M’Drak được thể hiện qua “Chuyện những người “cõng chữ” vào rừng Cư San” của Nguyễn Hồng Chiến…

Như “những cánh chim không mỏi”, văn nghệ sĩ, nhà báo đã đi, phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần tạo ra sự thay đổi lớn trên các mặt chính trị, kinh tế - xã hội... từ những đô thị, thị tứ sôi động đến vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của Dak Lak. Gặp gỡ các nhân vật, tìm hiểu cách họ học và làm theo Bác là thêm một lần các tay bút, tay máy “soi” lại chính mình, rèn đức, rèn nghề để từ đó tiếp tục đào sâu vào từng vấn đề cụ thể, đi vào thực tiễn cuộc sống, có như vậy mới hấp dẫn bạn đọc.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.