Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở xã vùng biên Ya Lốp: Khó khăn trong thực hiện tiêu chí thu nhập

08:38, 08/06/2015
Sau gần 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay xã biên giới Ya Lốp (huyện Ea Súp) chỉ mới hoàn thành được 3/19 tiêu chí. Để hoàn thành 16 tiêu chí còn lại, nhất là tiêu chí thu nhập đối với 1 xã đặc biệt khó khăn như Ya Lốp là một bài toán nan giải đối với chính quyền địa phương…
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar thăm và tặng quà nhân dịp Tết Ất Mùi năm 2015 cho các hộ chính sách, hộ khó khăn tại buôn Ea M’Droh, xã Ea M’Droh.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar thăm và tặng quà nhân dịp Tết Ất Mùi năm 2015 cho các hộ chính sách, hộ khó khăn tại buôn Ea M’Droh, xã Ea M’Droh.

Ya Lốp là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh, có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 66,21%. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với các cây trồng chính là ngô, lúa, sắn…, song năng suất các loại cây trồng thấp do đất đai khô cằn, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/năm. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vi Văn Son, mặc dù chính quyền địa phương đã rất nỗ lực cũng như được sự đồng thuận, quyết tâm cao của nhân dân, song đến nay Ya Lốp cũng chỉ mới đạt được 3 tiêu chí về nông thôn mới đó là: quy hoạch, an ninh trật tự và y tế. Những tiêu chí còn lại thật sự là thách thức, trở ngại quá lớn trong lộ trình xây dựng nông thôn mới đối với một xã vùng 3 như Ya Lốp. Chưa kể đến các tiêu chí khác, cần có nguồn kinh phí đầu tư lớn như: đường giao thông nông thôn, cơ sở vật chất thể thao, văn hóa…, chỉ riêng tiêu chí thu nhập cũng đã là “rào cản” khó vượt qua đối với chính quyền địa phương. Nghị quyết của HĐND xã đưa ra là mỗi năm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 5%, nhưng chỉ tiêu này các năm qua vẫn không thực hiện được. Phân tích nguyên nhân, ông Vi Văn Son cho rằng, là một xã kinh tế dựa vào nông nghiệp song hiện trên địa bàn chưa có hệ thống kênh mương thủy lợi, tưới tiêu. Các loại cây trồng hoàn toàn trông chờ vào điều kiện thời tiết chứ nông dân lại chưa thể tự chủ về nước tưới, nhất là vào mùa khô. Chính quyền địa phương cũng đã tìm tòi, nghiên cứu các loại cây trồng có khả năng thích ứng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, song cũng chưa tìm ra loại cây phù hợp, nông dân chỉ quanh quẩn gieo trồng một vụ với các cây lúa, ngô, sắn, nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Không những vậy, nông sản sau khi thu hoạch cũng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do giao thông đi lại không thuận lợi, vận chuyển khó khăn, tư thương ép giá. Chính vì sản xuất nông nghiệp bấp bênh, nên cứ đến mùa khô người dân lại kéo nhau đi làm thuê, làm mướn khắp nơi để mưu sinh, thu nhập cũng chỉ trang trải qua ngày và cái nghèo cứ mãi đeo bám, khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn đạt “ngưỡng” cao, ở mức 66,21%.

“Chưa lo liệu nổi cho cuộc sống hằng ngày thì lấy đâu người dân tham gia đóng góp để xây dựng nông thôn mới, trong khi phương châm xây dựng nông thôn mới là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, rất cần sự chung tay, góp công, góp của của người dân?”, ông Vi Văn Son băn khoăn đặt câu hỏi. Cũng vì thế mà việc huy động các nguồn lực đóng góp trong nhân dân để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn xã là việc hết sức khó khăn. Và để “giải” bài toán xóa nghèo, trên địa bàn, theo ông Son thì vấn đề trước mắt, cần kíp nhất là nhà nước cần đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân. Có hệ thống thủy lợi, người dân mới tự chủ về nước tưới, mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích canh tác, còn chính quyền địa phương sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi… giúp nâng cao thu nhập, từ đó họ mới nhiệt tình đóng góp để xây dựng các chương trình, dự án, còn nếu không lộ trình xây dựng nông thôn mới của xã sẽ rất gian nan.

 Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc