Hát về Mẹ Việt Nam Anh hùng...
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, vào một ngày đầu tháng ba, tôi vinh dự được đi cùng đoàn cán bộ của tỉnh đến thăm hỏi sức khỏe Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bé, ở thôn Kiên Cường, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột. Mặc dầu đã hơn 90 tuổi, tóc mẹ đã bạc trắng màu sương gió, đôi mắt cố nheo nheo để nhìn mọi thứ cho rõ hơn, nhưng trí nhớ của Mẹ còn minh mẫn lắm.
Qua những câu chuyện, chúng tôi được được biết đôi điều về Mẹ, về những hy sinh thầm lặng của Mẹ cho đất nước. Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bé sinh năm 1920 tại Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 1960, gia đình Mẹ vào Đắk Lắk lập nghiệp. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Mẹ đã cùng bà con kiên cường bám trụ, nuôi dưỡng cán bộ, xây dựng vùng Đạt Lý thành một căn cứ địa cách mạng vững chắc. Năm 1968, Mẹ nhận được tin chồng là Nguyễn Đức Miếu hy sinh ở căn cứ H5. Đau đớn vô cùng nhưng Mẹ vẫn động viên con trai Nguyễn Đức Huy lên đường nhập ngũ. Tiếp bước quá khứ hào hùng của cha, anh Huy hăng hái ra trận. Nhưng vào năm 1972, anh cũng đã ngã xuống trong một trận chiến ác liệt tại căn cứ H5. Đó cũng là năm người con trai thứ của mẹ - Nguyễn Đức Vinh tham gia vào lực lượng công an và đến năm 1979 trong một cuộc truy quét fulrô, anh đã hy sinh. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, nuốt nước mắt vào trong, Mẹ vẫn cố gắng vươn lên, sống mẫu mực, nuôi dạy con cháu nên người. Nắm chặt tay chúng tôi lúc chia tay, mẹ hiền từ dặn dò phải sống thật tốt, thật xứng đáng với những hy sinh, mất mát của thế hệ cha ông.
Mẹ Huỳnh Thị Qua. |
Dưới những cơn mưa ngâu của tháng bảy, chúng tôi tìm đến nhà Mẹ Huỳnh Thị Qua, ở phường Tân lợi, TP. Buôn Ma Thuột. Khi chúng tôi đến, Mẹ đang ngồi nói chuyện với con cháu rất say sưa, vui vẻ. Thấy chúng tôi, Mẹ cười hiền từ và đôn hậu. Nhìn vẻ bề ngoài của Mẹ Qua, chẳng mấy ai ngờ mẹ chịu nhiều hy sinh đến thế. Mẹ Huỳnh Thị Qua sinh năm 1917 ở Thăng Bình, Quảng Nam. Dù năm nay Mẹ đã gần trăm tuổi nhưng ký ức về những tháng ngày nuôi giấu bộ đội, những lần tiễn chồng, con xông pha nơi lửa đạn vẫn không phai nhòa… Mẹ kể, chiến tranh ác liệt lắm, khi các con trưởng thành, Mẹ động viên thoát ly gia đình tòng quân giết giặc. Rồi khi các con lên đường đánh giặc, ở nhà Mẹ cũng là một trong những cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, lo cho bộ đội từng nắm cơm, chén nước; các anh ở trong nhà Mẹ nuôi, có sắn ăn sắn, có khoai ăn khoai, ban ngày mẹ xách vó ra sông, bắt thêm con cá, con tép về cải thiện bữa ăn. Giữa năm 1968, khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt thì Mẹ nhận được tin người con trai Võ Văn Kỵ hy sinh trong một trận đánh. Nỗi đau này chưa nguôi thì nỗi đau khác lại ập tới, bởi chỉ mấy tháng sau Mẹ nhận tin chồng mình là Võ Qua hy sinh trong một trận chiến đấu khác. Những tưởng sự mất mát, đau thương ấy đã dừng lại, nhưng vào năm 1974, Mẹ như chết lặng khi nghe tin báo tử của người con trai thứ Võ Đình Hội. Lúc này những nỗi đau đã không làm Mẹ khóc được nữa, bởi nước mắt Mẹ đã không còn. Thay vào đó Mẹ đã biến đau thương thành sức mạnh, tiếp tục phục vụ cho cách mạng và nuôi dạy các con vững chí đấu tranh. Giờ đây, mẹ Qua vẫn sống giản dị cùng gia đình người con gái út tại TP. Buôn Ma Thuột. Thỉnh thoảng Mẹ lại về Quảng Nam thăm lại quê xưa, nơi mình đã chiến đấu và đóng góp những người con cho nền độc lập tự do của dân tộc.
Mẹ Lê Thị Bé tiếp đoàn cán bộ của tỉnh tới thăm. |
Mẹ Lê Thị Bé và Mẹ Huỳnh Thị Qua cũng như tất cả các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng khác trên đất nước này, khi Tổ quốc cần, các mẹ không ngần ngại đưa tiễn chồng, con ra trận. Tổ quốc ghi công, cả dân tộc Việt Nam tri ân những hy sinh của các Mẹ Việt Nam Anh hùng vì độc lập, tự do của dân tộc. Xin mượn lời một ca khúc của nhạc sĩ An Thuyên để thể hiện niềm tin yêu và sự cảm phục đối với các Mẹ: “Hát về những người mẹ Việt Nam, hát về những người mẹ anh hùng. Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời…”…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc