Multimedia Đọc Báo in

Khắc ghi đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

10:07, 27/07/2015

Để tưởng nhớ, đền đáp công lao to lớn của các thương, bệnh binh, gia đình chính sách có công, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã dành sự quan tâm sâu sắc, tập trung mọi nguồn lực thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Hành trình tri ân đó đã góp phần động viên, chia sẻ, bù đắp phần nào những mất mát, khích lệ các gia đình chính sách có công vươn lên trong cuộc sống.

Đoàn viên thanh niên TP. Buôn Ma Thuột thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng  Lê Thị Xang ở tổ dân phố 1 (phường Tân Hòa).
Đoàn viên thanh niên TP. Buôn Ma Thuột thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Xang ở tổ dân phố 1 (phường Tân Hòa).
Toàn tỉnh hiện đang quản lý trên 49.000 đối tượng chính sách có công, trong đó có 50 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 22 cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa, 2 Anh hùng lực lượng vũ trang, trên 6.000 thương binh, 2.500 bệnh binh, 3.500 người có công giúp đỡ cách mạng, hơn 8.500 hồ sơ liệt sỹ, gần 2.500 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, bị nhiễm chất độc hóa học, còn lại là những người được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, hàng năm, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, các ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Bên cạnh đó, để giải quyết chính xác, kịp thời những vướng mắc, tồn đọng về chế độ, chính sách đối với người có công, tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng các cấp, xây dựng kế hoạch thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xuống tận cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn đối tượng lập hồ sơ kê khai. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2010-2015, cơ quan chức năng đã tiếp nhận 8.159 hồ sơ, đã xem xét xác nhận và giải quyết chế độ cho 7.348 hồ sơ đối tượng chính sách các loại theo quy định. Hành trình tri ân còn thể hiện ở việc rà soát, điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp hằng tháng và các chế độ liên quan cho gần 20.000 đối tượng người có công và thân nhân của họ theo Pháp lệnh số 04, 05 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, đã thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng cho 13.000 đối tượng với số tiền 250 tỷ đồng/năm, chi trả trợ cấp 1 lần cho 35.000 đối tượng và thực hiện đầy đủ các quyền lợi chính trị cho họ.
Lãnh đạo tỉnh thành kính đưa hài cốt các anh hùng liệt sỹ hy sinh  tại Campuchia về với đất mẹ Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh thành kính đưa hài cốt các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Campuchia về với đất mẹ Việt Nam.

Bên cạnh việc giải quyết chế độ, chính sách, tỉnh đã thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều việc làm thiết thực, cụ thể như thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình thương binh, liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, chỉ đạo các địa phương chăm lo, tu bổ các công trình ghi công liệt sỹ, huy động quỹ hỗ trợ xây dựng Nhà tình nghĩa, tổ chức thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ… Hoạt động “Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ” được đoàn viên thanh niên duy trì hằng năm vào dịp 27-7 tại các nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh nhằm thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ đối với công lao của ông, cha trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Để chung tay chăm lo, xoa dịu nỗi đau, mất mát, góp phần nâng cao đời sống của những gia đình chính sách có công, tỉnh đã xây dựng, phát triển Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, từ năm 2010 đến nay, đã huy động được hơn 32 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này và nguồn Trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 837 căn nhà tình nghĩa; nâng cấp, sửa chữa 609 căn nhà và trao tặng 866 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách có công. Bên cạnh đó, bằng nguồn kinh phí Trung ương và địa phương đóng góp, đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 24 công trình ghi công liệt sỹ với số tiền hơn 20 tỷ đồng... Tổ chức khảo sát, tìm kiếm và quy tập được 111 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh qua các thời kỳ đưa vào an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện đầy đủ chế độ điều dưỡng cho các đối tượng. Hằng năm, tổ chức đưa đón chu đáo 300 - 400 người đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Khánh Hòa; đưa đoàn người có công tiêu biểu đi gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh…

Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh cho biết: Công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm bởi đây chính là sự tri ân sâu sắc trước những cống hiến, hy sinh to lớn cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Do vậy, ngoài việc thực hiện đầy đủ, kịp thời những chính sách đãi ngộ theo quy định của Đảng và Nhà nước, tỉnh còn huy động nhiều nguồn lực xã hội để chung tay chăm lo, xoa dịu nỗi đau, bù đắp phần nào những mất mát cho những gia đình có công với cách mạng. Qua đó, đã góp phần nâng mức sống của phần lớn người có công trong tỉnh bằng và cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo, giải quyết tốt những tồn tại, vướng mắc về chế độ, chính sách; đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… trong việc thực hiện trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công, đặc biệt là những người già cả, neo đơn, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp, tạo nguồn lực để hỗ trợ gia đình người có công còn nhiều khó khăn nhằm đạt được mục tiêu 100% người có công phải có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân địa phương.

Bằng tấm lòng tri ân và sự tự nguyện của mình, các cấp, ngành và toàn xã hội sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm bù đắp phần nào những nỗi đau, mất mát, hy sinh của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Đó cũng chính là đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc