Khúc tráng ca tháng 7
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi mất mát, đau thương thì vẫn còn đó. Tháng 7 về, có ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong, ngày kỷ niệm Thương binh - Liệt sỹ, khiến lòng mỗi người con trên dải đất hình chữ S này lại rưng rưng, day dứt khôn nguôi…
Là người con đất Việt, ai mà không khỏi thấy lòng bồi hồi cảm xúc khi vòng quay của thời gian chạm vào tháng 7. Khúc tráng ca bất tử của lịch sử về sự anh dũng của những người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” lại vang lên, lòng người ở lại càng trào dâng niềm thành kính khôn nguôi. Nghĩa trang liệt sỹ những ngày này càng nghi ngút khói hương, dòng người từ khắp nơi hối hả kéo về để có dịp được đứng trước anh linh các Anh, dành phút tưởng niệm để thể hiện lòng tri ân thành kính…
Đoàn viên thanh niên huyện Cư M’gar thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Cư M’gar. |
Trên cùng một chiến hào năm xưa, người đã ngã xuống trong lòng đất mẹ, người trở về hôm nay với bao vết thương hằn trên cơ thể. Chúng tôi đã từng lặng người khi chứng kiến về nỗi đau thầm lặng mà họ phải gánh chịu khi đất nước đã im tiếng súng từ mấy chục năm rồi. Đó là thương binh Trịnh Văn Ất (ở phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) đắng lòng khi nhìn đứa con đầu lòng bị teo cơ, đi lại không bình thường vẫn cố tập từng bước đi khập khiễng. Hay như cựu chiến binh Lê Đình Tôn (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) nén nước mắt vào trong để từng ngày lo cho con gái út bị thiểu năng trí tuệ do bị nhiễm chất độc da cam từ chính người cha của mình; đã 20 tuổi mà em chỉ nằm một chỗ. Lòng những người làm cha, làm mẹ khi mỗi ngày chứng kiến cảnh đó, không khác nào những đợt sóng cứ thi nhau táp xô vào bờ, dậy lên nỗi đau càng dữ dội. Khó có từ ngữ nào để diễn tả hết niềm xót xa kia và một cuộc chiến với họ, dường như lại bắt đầu.
Tôi đã từng biết đến một bà mẹ có người con hy sinh ở chiến trường miền Nam, đến tận bây giờ, tin tức về anh thì vẫn biệt tăm dù các ngành chức năng, đồng đội vẫn không nguôi nỗ lực kiếm tìm… Ký ức về những ngày mưa bom, bão đạn đã lùi xa nhưng vết thương lòng bà vẫn nặng mang. Lúc sắp đi đến phía bên kia của cuộc đời, bà chỉ kịp thì thầm như lời động viên cuối với con, cháu: “Bà về bên chú của tụi bây cho hắn bớt lạnh lẽo. Ở trên này chưa gặp, biết đâu xuống đó lại có dịp được đoàn viên. Phải sống sao cho xứng đáng với những người như chú tụi bây...” - Câu nói sau cùng của người mẹ già hơn 40 năm ngóng tin con khiến người ở lại không khỏi nhói lòng.
Mỗi độ tháng 7 sang, mạch nguồn tri ân đã lan tỏa qua nhiều thế hệ, cựu thanh niên xung phong tổ chức hành trình về thăm lại chiến trường xưa, thăm đồng đội cũ; các cơ quan, đoàn thể, thanh niên, học sinh, sinh viên thì có nhiều hoạt động thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ, thăm hỏi, chăm sóc thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng… Biết bao hành động nghĩa tình hằng ngày đang được triển khai khắp nơi trên dải đất Việt này, nhưng chúng tôi biết vẫn chưa bao giờ là đủ.
Tháng 7, bầu trời thênh thang hơn, vời vợi cao xanh những hàng cây trên nghĩa trang, tỏa bóng mát, hiên ngang như một thời người nằm đó đã từng sống, chỉ có lòng người ở lại là chùng xuống… Ai có thể quên những con người “đem cả tuổi xuân ném vào trận đánh, những thiên thần tỏa sáng trong đêm”!
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc