Sâu nặng nghĩa tình với người có công
Với tấm lòng tri ân sâu sắc, những năm qua, các cấp, ngành và người dân trên địa bàn huyện M’Đrắk đã nỗ lực thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những hành động, việc làm thiết thực. Những hoạt động sâu nặng nghĩa tình ấy đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách có công.
Ước mong có một căn nhà kiên cố
Đưa chúng tôi đi thăm căn nhà xây kiên cố, rộng gần 100 m2, ông Nguyễn Văn Khôi ở thôn 19 (xã Cư M’ta) không giấu được niềm vui: “Đây là căn nhà trong mơ của vợ chồng tôi suốt mấy chục năm nay. Thật bất ngờ khi đến cuối đời, ước mơ đó đã thành sự thật, tất cả cũng nhờ có sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành, địa phương”. Ông Khôi là thương binh hạng ¾, sức khỏe yếu, hằng ngày đi làm thuê cho đại lý bán vật liệu xây dựng, thu nhập không đáng là bao. Việc chăm lo cho 4 con ăn học trông chờ cả vào 3 sào ruộng và tiền làm thuê của ông nên cuộc sống rất chật vật. Căn nhà cấp 4 rộng chừng 30 m2 đã xuống cấp từ lâu, trên tường có nhiều vết nứt do đất bị sụt lở nên có thể bị đổ sập bất kỳ lúc nào. Dẫu biết vậy nhưng vợ chồng ông đành giằng chống lại để ở tạm vì không đủ khả năng xây sửa. Chia sẻ khó khăn đó, năm 2014, huyện đã hỗ trợ gia đình ông 40 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, anh em dòng họ cho mượn thêm tiền, giúp ngày công để xây dựng căn Nhà tình nghĩa khang trang, kiên cố. Từ ngày dọn về sống trong căn nhà mới, sức khỏe của ông khá hẳn lên vì tinh thần thoải mái, không còn thấp thỏm lo âu mỗi khi mưa to gió lớn.
Gia đình bệnh binh Y Đứt Mlô là hộ khó khăn ở buôn Tai (xã Krông Jing). Năm 2013, vợ ông qua đời do bệnh nặng, 4 người con đã lập gia đình ra ở riêng nên chỉ còn mình ông chăm lo cho người con gái bị tàn tật. Mọi sinh hoạt của 2 bố con trông cả vào đồng lương bệnh binh của ông. Căn nhà gỗ cũ đã xiêu vẹo, dột nát nhưng ông chỉ biết dùng bạt che chắn lại để ở. Năm 2013, từ nguồn vận động tài trợ của Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện, gia đình ông đã được hỗ trợ 40 triệu đồng, anh em dòng họ cho mượn thêm 5 triệu đồng, giúp ngày công xây dựng, biến ước mơ có căn nhà khang trang thành hiện thực. “Năm nay mình đã 80 tuổi, được sinh sống trong căn nhà xây kiên cố này gần 3 mùa rẫy rồi, mình mừng lắm vì đây chính là sự quan tâm, chăm lo của Đảng, chính quyền địa phương đối với các gia đình chính sách có công”.
Cán bộ Phòng LĐTBXH huyện M’Đrắk chia sẻ niềm vui với gia đình bệnh binh Y Đứt Mlô trong căn Nhà tình nghĩa. |
Chung tay chăm lo cho đối tượng chính sách có công
Qua rà soát, toàn huyện M’Đrắk hiện có 1.500 đối tượng chính sách có công, trong đó có 482 người được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Để giải quyết chính xác, kịp thời những tồn đọng sau chiến tranh, UBND huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từ huyện đến cơ sở, xây dựng kế hoạch thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xuống tận thôn, buôn tuyên truyền, hướng dẫn đối tượng lập hồ sơ kê khai. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành việc xác nhận, giải quyết cho các đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi. Từ năm 2011 đến cuối năm 2014, huyện đã chi trả trợ cấp hàng tháng cho 1.973 lượt đối tượng với số tiền 33,95 tỷ đồng, trợ cấp 1 lần cho 2.077 đối tượng với số tiền 2,47 tỷ đồng, hỗ trợ học phí cho sinh viên con gia đình có công gần 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện đã tập trung tuyên truyền sâu rộng các chính sách ưu đãi có công, xã hội hóa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhờ vậy, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện huy động được trên 1,2 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ nguồn quỹ trên cộng với ngân sách của Trung ương, tỉnh hỗ trợ, sự đóng góp tiền, ngày công của anh em dòng họ, cộng đồng, huyện đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 98 căn Nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách có công khó khăn về nhà ở với tổng trị giá 2,94 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 4.129 lượt đối tượng với số tiền 817 triệu đồng. Ông Đào Thành Vinh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, với mục tiêu nâng mức sống của gia đình chính sách bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú, các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã tập trung chăm lo, cải tạo nhà ở, hỗ trợ vốn vay, chi phí học tập, trợ cấp cây, con giống... nên đã cơ bản giúp các đối tượng chính sách có công ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện vẫn còn 34 gia đình chính sách thuộc diện hưởng trợ cấp 1 lần là hộ nghèo. Huyện đã phân công các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học đóng chân trên địa bàn giúp các hộ này qua việc nhận đỡ đầu, tư vấn về cách làm ăn, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ giống chăn nuôi... Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trong huyện cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Đoàn thanh niên tổ chức quét dọn, chăm sóc cây cảnh, vệ sinh môi trường ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, thắp nến tri ân Anh linh các Anh hùng liệt sỹ; Ủy ban MTTQVN huyện tuyên truyền, vận động đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Tù yêu nước huyện vận động hỗ trợ tặng quà, xây dựng Nhà tình nghĩa, góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế…
Có thể nói, những hoạt động, việc làm thiết thực trên đã thể hiện tấm lòng tri ân, bù đắp được phần nào sự hy sinh, mất mát của các gia đình chính sách, người có công và động viên, khích lệ họ vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc