Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật
Tạo "sân chơi" bổ ích, hấp dẫn cho cán bộ, đoàn viên công đoàn
Bằng hình thức sân khấu hóa, Hội thi tìm hiểu Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT và Luật Công đoàn trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh năm 2015 đã thu hút được sự quan tâm, tham gia, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Qua đó, đã tạo “sân chơi” bổ ích, lý thú, góp phần nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật, kỹ năng hoạt động và ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đoàn viên công đoàn.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã lên ý tưởng tổ chức hội thi dưới hình thức sân khấu hóa và được triển khai sâu rộng đến các cấp công đoàn trong toàn tỉnh. Để bảo đảm thành công của hội thi, Ban tổ chức đã dành nhiều thời gian chuẩn bị từ xây dựng kế hoạch, biên soạn câu hỏi, thiết kế phần mềm trình chiếu; mời Hội đồng tư vấn, Ban giám khảo, chọn đơn vị chỉ đạo tổ chức hội thi điểm, phân công từng thành viên phụ trách các cụm thi thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị... Nhờ vậy, sau một thời gian chuẩn bị, hội thi cấp cụm đã diễn ra từ quý IV-2014 đến quý II-2015 với sự tham gia của 1.358 đội thi, với 10.864 thí sinh đến từ công đoàn cơ sở (CĐCS) thuộc các cấp công đoàn tỉnh quản lý (đạt 79%). Một số đơn vị đã tổ chức hội thi đến từng CĐCS hoặc thi theo cụm thi đua CĐCS trực thuộc để chọn những đơn vị xuất sắc nhất tham gia vòng chung kết cấp huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành nên chất lượng thi và công tác tuyên truyền tốt hơn. Sau vòng thi cụm đã chọn được 26 đội thi vòng loại cấp tỉnh, với 208 thí sinh. Kết quả, Ban giám khảo đã chọn được 5 đội có điểm số cao nhất của 5 cụm vào vòng chung kết gồm: LĐLĐ thành phố Buôn Ma Thuột; LĐLĐ các huyện Krông Năng, Ea Kar; Công đoàn ngành Y tế tỉnh và Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk.
Đại diện Ban tổ chức trao giải cho các đội đạt thành tích cao tại hội thi. |
Tại vòng chung kết, các đội đã trải qua 4 phần thi gồm: chào hỏi, chung sức, xử lý tình huống, hùng biện về các nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn; các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động. Với không khí sôi nổi, hấp dẫn qua từng phần thi, các đội đã mang đến hội thi những tiết mục đặc sắc cuốn hút người xem. Trong phần thi chào hỏi, các đội đã tận dụng tối đa khả năng diễn kịch cũng như vận dụng sáng tạo các giai điệu từ chèo, thơ ca, hò vè... Điểm nổi bật ở phần thi này là các đội không chỉ giới thiệu được về thành phần tham gia, đặc thù của ngành, đơn vị mà còn khéo léo lồng ghép các nội dung tuyên truyền, tư vấn pháp luật, tạo được tiếng cười và thu hút sự chăm chú theo dõi, cổ vũ của đông đảo khán giả. Tiêu biểu như phần thi chào hỏi của LĐLĐ huyện Krông Năng với màn dàn dựng công phu lấy cảm hứng từ chương trình “Táo quân”, trong đó có những tình tiết mang hơi thở, thực tiễn cuộc sống với phần diễn xuất hài hước, hóm hỉnh của các thành viên đã đem lại tiếng cười sảng khoái, gây ấn tượng khó phai trong lòng khán giả và Ban giám khảo. Phần thi chung sức và xử lý tình huống với các câu hỏi liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, 3 thành viên của mỗi đội đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên đã xuất sắc vượt qua hầu hết các câu hỏi kiến thức pháp luật. Phần thi hùng biện với các chủ đề quen thuộc, sát thực với đoàn viên công đoàn như: quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, đoàn viên, người lao động, Bộ luật Lao động với lao động nữ trong chế độ xã hội ở nước ta cũng được các đội hoàn thành xuất sắc, các thí sinh đã thể hiện được sự am hiểu kiến thức sâu rộng, phong thái tự tin, trình bày lô-gic, đúng trọng tâm, có liên hệ thực tế ở địa phương, đơn vị, đã mang đến các thông điệp tuyên truyền pháp luật sâu sắc, đầy ý nghĩa.
Chị Bùi Thị Ngọc Linh, đoàn viên CĐCS Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia vào “sân chơi” tìm hiểu kiến thức pháp luật do Công đoàn tổ chức nên cảm thấy rất hào hứng. Thông qua hội thi, các đoàn viên không chỉ được giao lưu, học hỏi các kỹ năng tuyên truyền, vận động mà còn được nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật, nắm bắt thêm các chế độ, chính sách mới của Nhà nước từ đó tuyên truyền cho mọi người hiểu và thực hiện theo”. Điều làm nên thành công của hội thi chính là sự đồng thuận, quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền đồng cấp và sự phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các cấp công đoàn, đoàn viên và CNVCLĐ. Ông Bùi Quang Chung, Chủ tịch LĐLĐ huyện Ea Kar cho biết: “Được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của Huyện ủy, UBND huyện, sự hướng dẫn tận tình của LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ huyện Ea Kar đã tổ chức hội thi ở cấp cơ sở, cấp huyện nên tạo được sự lan tỏa sâu rộng. Các câu hỏi và chủ đề của hội thi thiết thực, gần gũi, qua đó, giúp cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hiểu và nắm rõ hơn các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình”.
Kết thúc hội thi, LĐLĐ huyện Ea Kar đoạt giải Nhất; LĐLĐ huyện Krông Năng và Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk đoạt giải Nhì; giải Ba thuộc về Công đoàn ngành Y tế tỉnh và LĐLĐ thành phố Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao 3 giải chuyên đề cho phần thi chào hỏi, hùng biện, xử lý tình huống và 10 giải khuyến khích cho các đội tham gia hội thi.
Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Trưởng Ban tổ chức hội thi đánh giá: “Hội thi đã thực sự tạo “sân chơi” bổ ích, hấp dẫn để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ giao lưu, học hỏi, truyền tải kiến thức, hiểu biết về pháp luật lao động một cách sinh động, dễ nhớ và hiệu quả. Thông qua đó góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại đơn vị, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn đối với sứ mệnh của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc