Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" giữa thời bình
Trong kháng chiến chống xâm lược, hăng hái xông pha trận mạc, dũng cảm, gan dạ trước quân thù; thời bình trở về quê hương, những người lính Cụ Hồ lại nhiệt tình với những công việc đời thường. Giờ đã ở tuổi được nghỉ ngơi nhưng những người lính Cụ Hồ năm xưa vẫn hăng say lao động, tích cực đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cho xã hội.
Thương binh hiến đất làm đường
Ông Nguyễn Thanh Bình tình nguyện nhập ngũ năm 19 tuổi, tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt ở chiến trường miền Nam. Ngày 30-4-1975 trong trận đánh ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông bị nhiều mảnh đạn găm vào tay, bụng và đùi. Sau đó, ông xuất ngũ trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 41%, mảnh đạn dài 4 cm vẫn còn nằm trong cánh tay. Trở về cuộc sống đời thường với cánh tay phải thương tật, ông Bình vẫn hăng say lao động, phát huy phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia công tác xã hội.
Ông Hoàng Hữu Bình trong vườn tiêu xanh tốt của gia đình (thôn 2, xã Ea Kao). |
Năm 1988, gia đình ông Bình chuyển vào định cư ở thôn 2, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). Dù cuộc sống nơi quê hương mới gặp nhiều khó khăn, lại phải chống chọi với nhiều cơn đau nhức do vết thương tái phát mỗi khi trái gió trở trời nhưng ông Bình vẫn gắng sức giúp vợ con khai hoang đất đai trồng hoa màu. Năm 2013, khi chính quyền địa phương có chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn, hiểu được ý nghĩa to lớn của việc làm đường và trách nhiệm của gia đình mình, thương binh Nguyễn Thanh Bình đã không ngần ngại hiến 700 m2 đất thổ cư để mở rộng đường theo tiêu chí nông thôn mới. Ông chia sẻ: “Dù rất tiếc khu vườn đang nuôi cá, trồng điều, cây ăn quả là nguồn thu nhập chính của gia đình phải phá bỏ đi nhưng tôi vẫn động viên vợ con vui vẻ ủng hộ chủ trương của chính quyền địa phương. Làm đường vừa phục vụ lợi ích cho gia đình vừa giúp các cháu nhỏ, bà con làng xóm thuận lợi trong đi lại. Lâu nay bà con rất vất vả, giờ có đường bê tông sạch đẹp, tôi thấy mừng lắm”.
Không chỉ gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất, ông Bình còn dành số tiền trợ cấp thương tật hằng tháng để giúp đỡ những đồng đội nghèo, gia đình khó khăn trong thôn xóm.
Người thương binh làm kinh tế giỏi
Cựu chiến binh Hoàng Hữu Bình (SN 1957), quê ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1978, ông nhập ngũ tại đơn vị vận tải thuộc Tổng cục Hậu cần, tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến đấu tại nước bạn Lào và bị thương trong một trận bị phục kích tại cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. Năm 1989 do điều kiện sức khỏe, ông phục viên trở về quê hương hưởng chế độ thương binh với tỷ lệ thương tật 36%. Năm 1996, gia đình ông di cư vào thôn 6, xã Cư Dliê M’Nông (huyện Cư M’gar) lập nghiệp.
Những năm đầu xây dựng kinh tế mới, gia đình ông Bình gặp rất nhiều khó khăn bởi ông sức khỏe yếu do thương tật, hai con còn nhỏ. Không có nhiều vốn, vợ chồng ông chỉ mua được vài sào đất trồng hoa màu. Bằng ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông và gia đình đã phấn đấu khắc phục mọi khó khăn vươn lên, tích lũy dần dần mua được gần 3 ha đất trồng cà phê và hồ tiêu. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên những năm qua, cây trồng trong vườn nhà ông cho năng suất cao, sản lượng đều đặn, vườn tiêu không bị bệnh… Hiện nay mỗi năm bình quân gia đình ông thu được 8 tấn cà phê nhân, gần 1 tấn hạt tiêu, trừ chi phí đầu tư sau mỗi vụ thu hoạch còn lãi trên 300 triệu đồng. Nhờ thu nhập cao và ổn định từ kinh tế vườn nhà nên vợ chồng ông chăm lo cho 2 con ăn học chu đáo, con trai đầu đã tốt nghiệp đại học đang công tác tại Hà Nội, con gái thứ hai đang học Đại học Công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hoàng Hữu Bình còn là một cán bộ cơ sở gương mẫu, nhiều năm liền là Bí thư Chi bộ thôn 6, từ năm 2004 đến nay là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn tận tụy với công việc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Trung Hải - Thanh Hà
Ý kiến bạn đọc