Thơm thảo những tấm lòng thiện nguyện
Trong cuộc sống hiện nay, giữa bộn bề mưu sinh vẫn còn rất nhiều tấm lòng nhân ái sẵn sàng làm nhiều việc nghĩa để giúp đời. Dẫu chỉ là góp một chút công sức, tiền của nhưng đã giúp biết bao mảnh đời bất hạnh có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Bà Cúc (người đứng bên trái) chuẩn bị những suất cháo phát cho bệnh nhân nghèo. |
Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar từ nhiều năm nay đã trở thành nơi tìm đến của những bệnh nhân nghèo nằm viện. Để có những bát cháo nóng hổi, thơm ngon, bảo đảm vệ sinh đến tận tay người bệnh và thân nhân người bệnh thì các tình nguyện viên phải thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị. Họ không phải là những đầu bếp chuyên nghiệp mà mỗi người mỗi nghề từ làm nông, buôn bán, công nhân… nhưng tất cả đều nhiệt tình, tâm huyết với công việc tình nguyện. Đơn cử như trường hợp của bà Đặng Thị Cúc (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar). Xuất phát từ cái tâm, nhiều năm nay, cứ vào sáng thứ 3 và thứ 6 hằng tuần, bà không quản ngại khó khăn, vất vả thức dậy từ khi trời vừa tờ mờ sáng để đến Bệnh viện Đa khoa huyện tự tay nấu những bát cháo giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Ở cái tuổi gần 70, lấy công việc giúp bệnh nhân nghèo làm niềm vui nên dẫu có thức khuya, dậy sớm bà vẫn không nề hà. Được biết, trước đây cuộc sống của gia đình bà Cúc hết sức khó khăn, nhà lại đông con nên vợ chồng bà phải làm đủ mọi việc từ khai phát đất làm nương rẫy đến làm thuê cuốc mướn. Cái nghèo đeo bám gia đình nên mỗi khi trong nhà có người đau ốm phải đi viện khiến cuộc sống càng khó khăn hơn. Chính từ sự vất vả, thiếu thốn, khổ cực đã trải qua, bây giờ bà rất thấu hiểu và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh. Bà Cúc tâm sự: “Sau bao nhiêu năm vất vả lao động cực nhọc, các con giờ đã có cuộc sống riêng ổn định. Riêng tôi tuổi già, cuộc sống gia đình cũng không mấy dư giả, không có điều kiện về vật chất để giúp người nghèo nên tôi tranh thủ thời gian rảnh rỗi tham gia vào bếp ăn tình thương để nấu những nồi cháo giúp họ bớt một phần chi phí trong thời gian nằm viện”. Không chỉ tham gia nấu ăn, thỉnh thoảng bà còn góp tiền ủng hộ bếp ăn và thường xuyên vận động con cháu, xóm giềng cùng ủng hộ để càng ngày càng có thêm nhiều người nghèo được nhận bát cháo giàu nghĩa tình.
Với cựu chiến binh Trần Văn Tụng (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) cuộc sống cũng chẳng mấy sung túc, nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào mấy sào đất trồng hoa màu và công việc bốc thuốc nam chữa bệnh cho mọi người. Thế nhưng, khi thấy hoàn cảnh của gia đình bà Phạm Thị Huệ hết sức khó khăn, không có nhà để ở nên ông đã tự nguyện hiến 200 m2 đất vườn của gia đình để bà Huệ xây nhà. Bên cạnh đó, ông Tụng còn chữa bệnh, bốc thuốc miễn phí cho nhiều bệnh nhân nghèo. Đó là trường hợp của một bệnh nhi 2 tuổi ở tỉnh Lâm Đồng bị bệnh viêm cầu thận mà ông tình cờ biết khi xem tivi. Sau khi liên hệ với gia đình bệnh nhân, ông đều đặn gửi thuốc đến tận nhà. Hay một lần khác tình cờ biết được một bệnh nhân ở huyện Krông Năng cũng bị viêm cầu thận, ông đã tìm đến tận nhà với mong muốn chữa khỏi bệnh mà không đòi hỏi tiền bạc, công cán. Trong hơn 20 năm hành nghề, ông Tụng còn chữa trị miễn phí cho nhiều bệnh nhân nghèo khác, theo ông giúp được cho người nghèo thì ông không hề suy nghĩ, đắn đo bởi đó cũng là việc nên làm…
Còn rất nhiều người dẫu cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng họ luôn hướng đến những việc làm giúp ích cho đời mà chúng ta có thể biết hết. Những việc làm bình dị mà đầy ý nghĩa đó dẫu chỉ là sự tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc không may hoạn nạn, là “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm là rách nhiều”… nhưng đã thắp lên ngọn lửa hy vọng vào những điều kỳ diệu trong cuộc sống, để rồi những mảnh đời bất hạnh có thêm nghị lực, vững tin viết tiếp ước mơ.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc