Trải nghiệm làm chiến sĩ: Rèn luyện để trưởng thành
Trở về với gia đình sau 7 ngày trải nghiệm làm chiến sĩ trong môi trường quân đội, nhiều cậu bé, cô bé vốn nhút nhát, rụt rè đã trở nên tự tin và năng động. Hành trang tuy ngắn ngủi này đã mang đến cho các em những điều thú vị, lạ lẫm nhưng ý nghĩa...
Chương trình Trải nghiệm làm chiến sĩ năm 2015 là một trong những hoạt động hè thiết thực được Ban Thường vụ Thành Đoàn Buôn Ma Thuột phối hợp cùng Trung đoàn Bộ binh 95 (Sư đoàn Bộ binh 2) tổ chức. Các nội dung mà 48 học viên có độ tuổi từ 10-14 được trải nghiệm trong 7 ngày gồm: gấp nội vụ, huấn luyện điều lệnh, đội ngũ, cách sử dụng một số loại thuốc dân gian, 16 động tác võ của Quân đội nhân dân Việt Nam; tìm hiểu nguyên lý, cấu tạo và cách tháo, lắp súng; các tư thế vận động trên chiến trường… Xen kẽ chương trình huấn luyện là các chuyên đề học tập bổ ích, thú vị như: ý nghĩa của sự cho đi; theo bước chân anh bộ đội; chăm ngoan, học giỏi, chìa khóa của sự thành công; tình cảm gia đình… Anh Võ Long Châu, thành viên Ban tổ chức chương trình cho biết: “Ngày đầu quân ngũ đối với các “chiến sĩ nhí” gặp khá nhiều khó khăn. Do tiếp xúc với môi trường mới, lại hoàn toàn lạ lẫm về mọi thứ nên các em ít nói và có biểu hiện nhớ nhà. Tuy vậy đến ngày thứ hai, khi được tham gia nhiều hoạt động tập thể, gần gũi vui chơi, học tập với bạn bè mới, các em trở nên gần gũi, vui tươi hơn”.
"Chiến sĩ nhí" thể hiện 16 động tác võ của Quân đội nhân dân Việt Nam. |
“Ba mẹ yêu quý của con! Những ngày qua được học tập, sinh hoạt trong môi trường quân ngũ, con thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Con nhớ ba mẹ! Con xin lỗi vì đã nhiều lần làm ba mẹ phải buồn và lo lắng cho con. Con đã không hiểu được ba mẹ phải tần tảo mỗi ngày để cho con có được vui tươi đến lớp… Giờ đây con mới biết được rằng, nhiều lúc con hư, bị ba đánh, nhưng đó là vì thương con, mong con nên người chứ không phải ghét bỏ con như con từng nghĩ…” - những dòng thư đầy hối hận của “chiến sĩ nhí” Võ Thị Ngọc Bích được các điều phối viên chuyển tới người mẹ Nguyễn Thị Minh Loan. Đọc thư con, chị Loan không kìm được nước mắt: “Cám ơn con đã hiểu lòng ba mẹ. Khóa học tuy ngắn ngủi nhưng đã giúp con chững chạc và khôn lớn hơn rất nhiều”. Được biết, đây là mùa thứ 2 chị Minh Loan đăng ký cho cả 2 người con cùng tham gia, sau khóa huấn luyện, hai con của chị đoàn kết, yêu thương nhau hơn, không còn thường xuyên cãi lộn như trước.
Thức dậy 5 giờ 30 để tập thể dục là điều mà “chiến sĩ nhí” Y Bun In Niê (10 tuổi) chưa bao giờ nghĩ mình đủ “dũng cảm” để làm. Y Bun In “thú nhận”: “Thường ngày, dù mẹ có gọi cho rát họng em cũng ngủ nướng, chờ đến giờ đi học mới chịu dậy. Thế nhưng khi tham gia chương trình, em bắt đầu thấy thích thú với các bài tập thể dục mỗi sáng. Bên cạnh đó, em còn biết làm các công việc thường ngày như: giặt đồ, rửa bát, gấp áo quần gọn gàng...”. Y Bun In là con trai út trong gia đình có 5 anh chị em. Bố Y Bun In mất sớm nên mọi lo toan trong gia đình đều đặt lên vai gầy của mẹ. Hôm viết thư gửi về người thân, Y Bun In bật khóc khi nhớ lại những lần vô tâm làm mẹ buồn và hứa từ nay sẽ ngoan ngoãn, yêu thương mẹ, các anh chị nhiều hơn.
Cũng như nhiều “đồng đội” khác, “chiến sĩ” Đinh Hoàng Minh Thư chưa từng nghĩ mình sẽ có nhiều bạn mới trong môi trường đặc biệt này, em thích thú khi tự biết giặt áo quần, gấp nội vụ, tập thể dục mỗi sáng... Với sự nỗ lực của bản thân, sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của các anh chị trong Ban tổ chức, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 95, Minh Thư đã mạnh mẽ, tự tin và trưởng thành hơn sau khóa học. Thư chân thành: “Qua những lần tiếp xúc trong quá trình học tập, rèn luyện, em có thêm nhiều bạn bè, chúng em thân thiết, gần gũi và sẵn sàng tâm sự nhỏ to lúc vui buồn. Dù khóa học diễn ra thật ngắn ngủi, nhưng em sẽ không quên những lần luyện tập trên thao trường, lần học cách tháo lắp súng mà các chú bộ đội giảng dạy, hay những lần cùng bạn bè tập dân vũ, vui chơi”…
Một tuần trải nghiệm trong môi trường quân ngũ, các em đã được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị, bổ ích, hầu hết đều trưởng thành, biết yêu thương gia đình nhiều hơn. Tuy vậy, không hẳn tất cả các học viên sẽ thay đổi 100% suy nghĩ, hành động theo chiều hướng tích cực. Anh Phan Đức Lộc, Phó Bí thư Thành Đoàn chân thành: “Chương trình chỉ là một bước khởi đầu, đặt nền móng cho sự nhận thức, giúp thay đổi một khía cạnh nào đó tư duy, tình cảm chứ không thể giúp các em thay đổi hoàn toàn, loại bỏ những điều chưa tốt. Nội dung trải nghiệm cũng chỉ dừng lại là sự gợi mở cần thiết cho một quá trình thay đổi và bản thân các em sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Điều quan trọng nhất chính là gia đình, các phụ huynh hãy tiếp thêm sức mạnh và giúp các em duy trì kết quả trải nghiệm. Bên cạnh đó cần có phương pháp giáo dục phù hợp để các em hoàn thiện bản thân, từ sự thay đổi của hôm nay sẽ hình thành thói quen, nhân cách tốt đẹp”.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc