Multimedia Đọc Báo in

Bước chuyển trong cải cách hành chính ở Dray Bhăng

08:47, 18/09/2015
Là một xã còn nhiều khó khăn của huyện Cư Kuin, thế nhưng trong những năm qua công tác cải cách hành chính (CCHC) theo cơ chế “một cửa” tại UBND xã Dray Bhăng đã tạo được những kết quả đáng khích lệ, rút ngắn thời gian cho người dân, nhanh gọn bảo đảm công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ngày một hiệu quả hơn.

Do đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh nên vào ngày thứ 6 chị Bùi Thị Hồng, trú thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng mới sắp xếp được công việc để về địa phương làm hồ sơ xin việc. Chị cho hay: “Trước đây tôi cứ lo việc làm hồ sơ, công chứng tại xã sẽ lâu và mất thời gian thế nhưng tôi chỉ mất đúng một ngày là những giấy tờ cần thiết đã được giải quyết xong. Những điều chưa hiểu tôi cũng được cán bộ phòng một cửa giải thích đầy đủ”. Việc triển khai thực hiện công tác CCHC theo cơ chế “một cửa” của xã Dray Bhăng đã tạo được bước chuyển quan trọng trong lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ công chức. Nhiều người dân khi đến giao dịch tại bộ phận “một cửa” của xã đều có chung nhận xét: Trong cách thức điều hành và giải quyết công việc của cán bộ lãnh đạo cũng như của công chức, viên chức xã đã có sự thay đổi đáng kể. Ông Nguyễn Tất Nhâm, thôn Nam Hòa, xã Dray Bhăng bày tỏ: “Trước đây, người dân chúng tôi đi làm giấy tờ, hồ sơ phải mất rất nhiều buổi, nhưng từ khi xã thực hiện CCHC theo cơ chế “một cửa”, hồ sơ được giải quyết ngay trong ngày. Nếu chưa được thì nhận phiếu hẹn và cán bộ thực hiện rất đúng hẹn...”.

Cán bộ bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ của người dân.
Cán bộ bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ của người dân.

Việc thực hiện cơ chế “một cửa” đã giúp UBND xã phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ chuyên môn cho từng cá nhân, bộ phận phụ trách tiếp nhận và giải quyết TTHC cho nhân dân; nâng cao năng lực chuyên môn, tránh chồng chéo trong xử lý công việc, tạo phong cách, môi trường làm việc khoa học. Từ đó, lãnh đạo UBND xã cũng dễ dàng kiểm tra tiến độ và kết quả công việc của từng bộ phận, cá nhân, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. UBND xã cũng đã đầu tư và xây dựng phòng một cửa để thuận tiện cho người dân đến làm thủ tục. Phòng có 5 bộ phận bao gồm: tiếp nhận và trả kết quả, tư pháp, thương binh xã hội, địa chính và công an. Phòng được trang bị 2 máy tính có kết nối mạng để cán bộ thuận tiện tra cứu các văn bản luật, TTHC mới ban hành và thực hiện nghiêm túc các TTHC được công bố, công khai đồng thời hướng dẫn ngay những điều chưa rõ, chưa hiểu về TTHC cho công dân. Chị Phạm Thị Minh, cán bộ phòng “một cửa” cho biết: “Hiện nay, số TTHC giải quyết theo cơ chế “một cửa” tại xã là 124. Trung bình phòng “một cửa” xử lý khoảng hơn 100 bộ hồ sơ/tuần và 100% hồ sơ được giải quyết đúng hẹn”.

Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã công khai, minh bạch 100% TTHC, văn bản thu phí, lệ phí, cũng như thời gian giải quyết công việc của công dân, tổ chức từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sắp xếp thời gian để làm thủ tục. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ làm ở phòng “một cửa” cũng gặp không ít khó khăn, áp lực bởi ngoài việc cần nắm vững các quy định về TTHC, CCHC, còn cần có kỹ năng trong tổ chức tiếp nhận và giải quyết đối với từng lĩnh vực cụ thể. Thêm nữa, nhiều loại hồ sơ cần rất nhiều thời gian để xác minh. Chị Trần Thị Vui, cán bộ tư pháp xã chia sẻ: “Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ ở bộ phận “một cửa”, khó nhất vẫn là giải quyết các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất vì phải xác minh nguồn gốc, hiện trạng và có tranh chấp hay không?”.

Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng kết quả giải quyết các TTHC của xã Dray Bhăng đã chứng minh nỗ lực của chính quyền xã, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm việc tại phòng “một cửa”. Dray Bhăng là địa phương được báo cáo điển hình tại Hội nghị sơ kết công tác CCHC giai đoạn I (2011 – 2015) do UBND tỉnh tổ chức vừa qua. Ông Hà Mạnh Khánh, Chủ tịch UBND xã Dray Bhăng khẳng định, thực hiện nhiệm vụ CCHC giai đoạn II (2016 – 2020), thời gian tới UBND xã sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ cải cách thể chế, TTHC, tổ chức bộ máy nhà nước CCHC công, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; hiện đại hóa hành chính. Trong đó, xã sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của cải cách TTHC, gắn với quy chế dân chủ trên cơ sở công khai minh bạch, từng bước góp phần hiện đại hoá TTHC tại địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.