Đồng bào Công giáo thi đua phát triển kinh tế, góp sức xây dựng nông thôn mới
Tích cực đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhạy bén ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, khai thác tiềm năng lao động, đất đai, ngành nghề tại địa phương… đã tạo bước đột phá và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua phát triển kinh tế của đồng bào Công giáo trong tỉnh, đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Mặc dù thời tiết những năm gần đây diễn biến phức tạp nhưng với sự hướng dẫn, tạo điều kiện của chính quyền, các ngành chức năng, bà con giáo dân ở các giáo xứ, họ đạo đã kiên trì khắc phục, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Ngoài kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn, giáo dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, gắn với thị trường, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Qua đó, đã xuất hiện nhiều gương điển hình trên các lĩnh vực. Chẳng hạn như, gia đình ông Võ Văn Hoàng, giáo dân Giáo xứ Nam Thiên (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) đã mạnh dạn cải tạo 1,5 ha cà phê già cỗi, năng suất kém, mua thêm 250 cây sầu riêng ghép và 270 cây măng cụt về trồng xen từ năm 2003 nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất. Cây cà phê chỉ cần 3 năm đã bắt đầu cho thu bói, nhưng với măng cụt, ông phải tốn công chăm sóc từ 9 - 10 năm mới cho những trái đầu tiên. Ngoài tiền đầu tư mua giống cao (50.000 đồng/cây), măng cụt còn đòi hỏi phải cung cấp đủ nước và bón phân hợp lý nên thời gian đầu phải mất nhiều công chăm sóc hơn cà phê. Nhưng nhờ chăm chỉ, chịu khó tìm tòi, học hỏi nên vườn măng cụt của gia đình ông ngày càng phát triển xanh tốt, đã cho thu hoạch trung bình khoảng 40 kg/cây, chất lượng quả to, da láng đẹp, vị ngọt, bán được giá cao (40.000 đồng/kg). Mô hình đa cây gồm cà phê, sầu riêng, măng cụt đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, trừ chi phí còn khoảng 600 triệu đồng/năm. Điều đáng nói, mô hình này không chỉ tạo việc làm cho 2 lao động địa phương mà còn trở thành “địa chỉ đỏ” của nông dân, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đến nay đã có 10 hộ trên địa bàn xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tương tự như gia đình ông.
Giáo dân giáo xứ Nam Thiên phát triển nghề cơ khí chế tạo máy tạo dựng thương hiệu “Làng cối Hòa Thuận”. |
Phong trào thi đua phát triển sản xuất trong đồng bào Công giáo còn được thể hiện rõ nét qua việc hình thành các vùng chuyên canh theo thế mạnh của từng địa phương. Các giáo dân Giáo xứ Châu Sơn (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) đã phát triển nghề nuôi hươu, nai, tạo dựng thương hiệu “Nhung nai Châu Sơn – Cư Êbur” với 376 hộ được cấp giấy chứng nhận. Nhiều giáo dân Giáo xứ Chi Lăng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) phát triển kinh tế từ nghề làm miến truyền thống, đầu tư mua sắm máy móc chuyên dụng, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo nên thương hiệu “Làng miến Chi Lăng”. Nhiều hộ đã tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm nước gạo, miến vụn để phát triển chăn nuôi, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hay ở Giáo xứ Nam Thiên (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột), các giáo dân đã phát triển nghề cơ khí chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo được thương hiệu “Làng cối Hòa Thuận” với nhiều cơ sở nổi tiếng như Văn Minh, Quốc Huy, Trần Sỹ… hằng năm, cung cấp từ 5.000 đến 10.000 chiếc cối xay cà phê tươi, góp phần tăng tỷ trọng ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Kinh tế phát triển, đồng bào Công giáo trong tỉnh tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi đáng kể đời sống kinh tế - xã hội các địa phương. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà con giáo dân tại các giáo xứ, họ đạo đã tự nguyện đóng góp hàng chục tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa đường liên thôn, liên xã và những con đường trọng yếu tại địa phương như đường vào trường học, chợ, khu sản xuất. Điển hình như bà con giáo dân thuộc xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) đã đóng góp 1,7 tỷ đồng, 1.600 ngày công và tự nguyện tháo dỡ tường bao làm 7,4 km đường bê tông xi măng tại 6 thôn. Giáo xứ Vinh Hòa (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) đã tự nguyện đóng góp 100% kinh phí xây dựng hơn 5 km đường nhựa và hệ thống mương thoát nước với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bà con giáo dân các Giáo xứ Kim Hòa, Chi Lăng, Châu Sơn cũng đóng góp tiền, ngày công để làm đường giao thông nông thôn, làm cầu, cống, kiên cố hóa kênh mương…
Bà H’Mơ Niê, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh đánh giá: “Những năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã đồng hành cùng dân tộc, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do UBMTTQVN tỉnh phát động, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Những đóng góp của đồng bào Công giáo trong lĩnh vực kinh tế, xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc