Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn nghề gác cổng hơi

06:46, 27/09/2015

Từ lâu cổng hơi đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội nhằm tạo vẻ rộn ràng, vui tươi cho thành phố khi có sự kiện lớn diễn ra. Ít ai biết rằng, để những chiếc cổng hơi luôn hoạt động ổn định, những người đảm nhận việc trông giữ các “cổng hơi” phải làm việc rất cật lực.

Là người phụ trách đội trực cổng hơi tại ngã Sáu, trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, anh Phạm Văn Thành (quê Ninh Bình) chia sẻ: “Đã 5 năm liền, tôi đón các ngày lễ lớn, giao thừa ngoài đường bên chiếc cổng hơi này. Dẫu biết, ngày lễ là dịp gia đình quây quần bên nhau nhưng vì công việc, tôi và nhiều anh em khác đành chấp nhận”. Cũng như anh Thành, anh Trần Quốc Trọng (quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi vào làm tại Công ty Đô thị và Môi trường Đắk Lắk được 6 năm rồi. 6 năm cũng là 6 cái tết và nhiều ngày lễ khác tôi xa nhà vì tham gia vào đội trực cổng hơi. Dịp lễ, tết ngồi gác cổng, nhìn người người vui chơi, tôi nhớ nhà, nhớ vợ con lắm nhưng vì công việc nên phải cố gắng thôi”.

Cổng hơi tại Ngã Sáu, TP. Buôn Ma Thuột.
Cổng hơi tại Ngã Sáu, TP. Buôn Ma Thuột.

Gác cổng hơi, công việc tưởng chừng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thực chất lại vô cùng vất vả, nhất là trong những ngày lễ, tết khi lượng người qua lại tấp nập. Ngoài việc túc trực cổng 24/24 thì những người gác phải linh hoạt, nhanh nhạy xử lý tình huống xảy ra trong ca trực. “Canh cổng vất vả nhất là ban đêm, đã không ít lần chúng tôi phải huy động lực lượng hạ cổng xuống để vá vì nhiều thanh niên say rượu đi qua dùng vật cứng, dao lam chọc thủng cổng, có lần vết rách quá lớn không may được phải dùng xe chuyên dụng chở về công ty đổi cổng khác dựng lên lại”, anh Trọng cho biết.

Để có những chiếc cổng hơi chào đón các ngày lễ, những công nhân phải dùng xe chuyên dụng chở vì ngay từ lúc chưa bơm hơi, cổng đã nặng hơn một tạ. Khi dựng lên, hạ xuống phải huy động từ 16 - 20 người làm cật lực trong khoảng 1 giờ. Mỗi lần dựng cổng, phải có lực lượng chức năng phong tỏa đường, điều tiết giao thông bảo đảm an toàn cho người dân đi đường. Đắk Lắk đang mùa mưa, về đêm thường có gió, anh em gác cổng phải lựa hướng để điều chỉnh dây níu sao cho phù hợp. Những lúc mưa to, gió lớn, cổng đung đưa mạnh, cả ca trực phải chạy ra giữ dây, giữ máy để tránh đổ cổng. Các sự cố bất ngờ về điện cũng là nguy cơ lớn với các công nhân gác cổng. Hai chiếc máy phát điện, hai chiếc máy bơm hơi dự phòng luôn ở tư thế "sẵn sàng chiến đấu cao" tại những nơi bố trí cổng.

Tại điểm trực cổng nào cũng có một túp lều nhỏ bên đường để máy móc, vật dụng đồng thời là nơi ở của đội trực. Mỗi ngày trực cổng được chia làm 3 ca, mỗi ca có 5 người, ca nào cũng đông đủ, thậm chí có người chưa đến ca vẫn đến trực trông giữ cùng anh em. Nói về nghề gác cổng hơi, anh Thành tâm sự: “Tôi nhớ, có năm đúng đêm 30 Tết, thấy những người bán hoa tết chất hoa ế lên xe đưa về, mấy anh em chạy lại giúp, thế rồi được họ tặng cho cả chục chậu hoa đủ loại, trang trí quanh lều trực không hết. Ngày lễ hay tết đều có cán bộ các cơ quan, đơn vị tiện đường vào thăm hỏi đội. Vất vả nhưng nhận được sự quan tâm vậy chúng tôi thấy vui rồi”.

Trong căn lều nhỏ, ngoài chiếc giường nhỏ để cả đội ngồi chỉ toàn là máy móc. Bữa trưa của các anh là những hộp cơm mua tạm ngoài quán nhưng gương mặt ai nấy cũng rạng ngời niềm vui, hân hoan vì công việc nhỏ của mình góp phần điểm tô thành phố những ngày vui.     

Hà Giang

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.