Multimedia Đọc Báo in

Những người con tiêu biểu của buôn làng

09:00, 28/09/2015

Tuổi cao, sức khỏe yếu song ngày lại ngày “những đôi chân không mỏi” ấy đã đi đến từng nhà trong buôn, thôn thăm hỏi bà con sức khỏe, chuyện làm ăn, việc học hành của con cháu... Chính tấm lòng nhiệt thành, sự chịu khó của các già làng, trưởng thôn, buôn tiêu biểu và chức sắc, chức việc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã góp phần đem lại sự bình yên cho buôn làng.

 Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh tặng quà người có  uy tín  tiêu biểu trong vùng dân tộc  thiểu số.
Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh tặng quà người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số.

Gắn bó với công tác mặt trận buôn Knia 4 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) hơn 15 năm nay, già làng Y Hơ Êban (còn có tên gọi là Ây Nháp) sinh năm 1947 được biết đến là người có những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân không nghe, không làm theo lời xúi giục của bọn phản động Fulrô, Tin lành Đêga… cũng như tham gia giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi nhận ra việc làm sai trái của mình để từ đó sửa chữa, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Già làng Y Hơ chia sẻ: “Trong các buổi phát động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự, tôi thường nói cho bà con về chính sách đại đoàn kết dân tộc. Không chỉ với những người trong buôn, trong dòng họ mà còn phải đoàn kết với các buôn khác nữa, như vậy mới có thể giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi khó khăn”. Ở vào tuổi gần 70, nhưng hễ đâu có việc gì cần là ở đó có già làng Y Hơ. Những ý kiến của già Y Hơ đưa ra đều nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của bà con. Buôn Đôn là huyện nghèo, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Để giúp bà con thoát nghèo, già Y Hơ đã tư vấn giúp bà con chuyển đổi cây trồng-vật nuôi để tăng năng suất; đồng thời đề xuất với chính quyền các cấp mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng để bà con “làm theo”, nhờ đó đời sống của bà con được  cải thiện đáng kể. Già Y Hơ tự hào nói: “Tôi đã được ra Trường Sa thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác ngoài biển, đảo. Những lần họp buôn tôi đều kể cho bà con, nhất là thanh niên nghe về tinh thần quả cảm, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân để bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền, vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước”. 

Người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trao đổi kinh nghiệm thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trao đổi kinh nghiệm thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Ông Siêu Lóa (ở buôn Hoai, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) được nhiều người ngưỡng mộ không chỉ bởi gia đình ông rất khá giả mà cả sự gương mẫu, tinh thần hết lòng vì bà con. Như “người thân” trong gia đình, Siu Lóa luôn gần gũi, lắng nghe bà con bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; không những vậy ông còn kịp thời khuyên giải, can ngăn những việc làm sai trái nhằm thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Ông Siêu Lóa tự nhủ: “Mình phải làm giàu, sống gương mẫu, chăm lo cho con cái học hành thì nói bà con mới nghe”. Nghĩ là làm, từ mảnh vườn chỉ vọn vẹn 400 m2 trồng cây đậu, cây ngô năm thì được mùa, năm thì mất mùa thì nay Siêu Lóa là chủ trang trại tổng hợp gồm 2,5 ha tiêu, hơn 2,5 ha cà phê và 1 ha hoa màu..., trừ chi phí sản xuất bình quân mỗi năm thu hơn 1 tỷ. Thấy Siêu Lóa làm giàu, đầu tư cho các con ăn học, nhiều bà con trong buôn đã “học theo” Siêu Lóa. Nhờ đó nhiều hộ trong buôn đã thoát nghèo bền vững,  nhiều hủ tục dần được xóa bỏ, bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, nhiều thanh niên trong buôn tự nguyện  tham gia lực lượng dân quân tự vệ, thực hiện nghĩa vụ quân sự. Năm 2014, xã Ea Sol có 5 đối tượng vượt biên trái phép, sau khi được ngành chức năng đưa ra kiểm điểm trước dân và được những người có uy tín như Siêu Lóa tuyên truyền, thuyết phục, tổ chức ký cam kết xử phạt theo luật tục, theo hương ước, các đối tượng đã an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, không vi phạm phát luật nữa.

Già làng Y Bhiu Mlô (tên thường gọi là Ae Lương), ở thôn Tân Lập 4, xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) cũng là người đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, tỉnh táo trước những cám dỗ của kẻ xấu. Già Y Bhiu vẫn thường tâm sự với bà con: “Mình là con cháu Bác Hồ, nhất định không để kẻ xấu kích động, lợi dụng gây mất đoàn kết; tuyệt đối không nghe, không được làm bất cứ việc gì chống phá Đảng và Nhà nước”. Kinh nghiệm của già Y Bhiu trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là phải gần gũi với bà con để hiểu tâm tư, nguyện vọng, từ đó có cách giúp đỡ kịp thời, nhất là những người “lầm đường lạc lối” vượt biên trái phép trở về buôn làng. Với cách nói thấu tình đạt lý, già Y Bhiu đã giải thích cho các đối tượng vượt biên trái phép nhận ra việc làm sai trái của mình. Trong số đó, có nhiều đối tượng đã làm được nhà, mua được xe máy và nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền. Để giúp một số gia đình trong buôn, trong xã vẫn còn suy nghĩ, nhận thức lệch lạc, chưa rõ bản chất của bọn phản động, già Y Bhiu đã chụp hình ảnh những gia đình từng lầm đường lạc lối nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, buôn làng nay đã có “của ăn của để”, hạnh phúc và già không quên nhắn nhủ với bà con: “Đất mình có, nhà mình có không lo làm giàu còn đi đâu nữa. Bà con mình có cuộc sống sung túc, no đủ như hôm nay là nhờ Đảng, Nhà nước đã quan tâm”.

Tại Hội nghị gặp mặt, trao đổi người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: “Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy vai trò tích cực trong vận động quần chúng chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tham gia xây dựng và thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn, buôn; gương mẫu, đi đầu trong các phong trào đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự; vận động bà con bỏ dần những hủ tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn văn hóa  truyền thống. Người có uy tín thực sự là nòng cốt của các tổ hòa giải, giải quyết mâu thuẫn gia đình, dòng họ, buôn làng, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn tỉnh”.

 

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.