Đưa kiến thức pháp luật đến với công nhân lao động: Những cách làm hiệu quả
Chuẩn bị chu đáo nội dung, đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng kết hợp giữa thuyết trình với các game show hỏi đáp pháp luật là cách làm linh hoạt của tổ chức Công đoàn trong công tác truyên truyền, phổ biến pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.
Cấp phát sổ tay Luật Lao động, Luật Công đoàn cho CNLĐ tại Nông trường Cao su Hoàng Anh Đắk Lắk. |
Nông trường Cao su Hoàng Anh Đắk Lắk chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp đã được “hưởng lợi” của Đề án 31 về “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động; người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”, giai đoạn 2013-2016. Trước đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ ở các doanh nghiệp dân doanh luôn vấp phải những “nút thắt” không chỉ trong hệ thống công đoàn mà hầu hết ở các cơ quan, đơn vị. Các doanh nghiệp cho rằng, việc này không nhằm phục vụ lợi ích của họ hoặc không muốn CNLĐ được nâng cao hiểu biết để dễ bề “quản lý”. Trong khi đó, CNLĐ chỉ muốn tập trung thời gian cho công việc và được nghỉ ngơi sau giờ làm nên không hào hứng tham gia. Hơn nữa, phương pháp tuyên truyền khô cứng khiến CNLĐ nhàm chán…
Để giải quyết tình trạng trên, căn cứ nội dung Đề án 31, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2013 đến 2016 trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời, hằng năm, LĐLĐ tỉnh đã chủ động xây dựng các kế hoạch thực hiện Đề án, đưa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật vào chương trình, nghị quyết hoạt động công đoàn; chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan như Trung tâm Quản lý các dự án Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban An toàn giao thông tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Công an tỉnh nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí và đa dạng hóa nội dung tuyên truyền. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh đã xây dựng nội dung tờ rơi, tờ gấp, sổ tay tuyên truyền Luật lao động, Luật Công đoàn; thiết kế chương trình, đề cương bài giảng, các game show, kịch bản để tổ chức tuyên truyền tại cơ sở và cung cấp cho công đoàn cấp trên cơ sở để chủ động tổ chức tuyên truyền. Ngoài ra, trong Tháng Công nhân hằng năm, LĐLĐ tỉnh tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, nhu cầu tuyên truyền, phổ biến pháp luật của CNLĐ ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Nhờ vậy, từ năm 2013 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã trực tiếp tổ chức 36 cuộc tuyên truyền, phổ biến Luật Lao động, Luật Công đoàn cho 5.230 CNLĐ tại 54 doanh nghiệp dân doanh; in ấn, phát hành hàng chục ngàn tờ rơi, sổ tay Luật Lao động, Luật Công đoàn, tài liệu phục vụ các cuộc tuyên truyền và cấp phát đến CNLĐ. Ông Khương Huy Hoàng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đánh giá, qua 3 năm thực hiện Đề án đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng của người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển.
Để đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các công đoàn ngành, LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp với CNLĐ tại các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện về thời gian cho người lao động tham gia các hoạt động tuyên truyền do các cấp Công đoàn tổ chức; hỗ trợ về kinh phí để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc