Hành quân dã ngoại về giúp dân
Dưới cái nắng như đổ lửa, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động (Công an tỉnh) và Công an huyện Ea Kar vẫn cần mẫn đào mới, nạo vét kênh mương, giúp bà con xã Cư Elang (huyện Ea Kar) khơi thông khoảng 30 ha đất đai thường bị ngập úng.
Xã Cư Elang cách trung tâm thị trấn Ea Kar khoảng 30 km, có nhiều đoạn đường gập ghềnh, lởm chởm ổ voi, ổ gà. Nơi vùng đất đặc biệt khó khăn này, có trên 1.690 hộ sinh sống, trong đó khoảng 43% là hộ nghèo. Người dân chủ yếu làm nghề nông, nhưng đất đai cằn cỗi, thêm vào đó trình độ dân trí vẫn còn thấp, phương thức sản xuất lạc hậu nên kinh tế địa phương chậm phát triển. Đặc biệt, người dân 2 buôn: Vân Kiều và Ea Rớt là rất khó khăn, thiếu thốn hơn cả - đây cũng chính là địa bàn mà cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động quyết định chọn để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con. Thượng tá Phạm Đức An, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động cho biết: “Mỗi năm, đơn vị thường tổ chức từ 2-3 đợt hành quân dã ngoại về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn nhằm giúp đỡ bà con. Để công tác thiện nguyện hiệu quả, thiết thực, trước mỗi chuyến đi, đơn vị tổ chức khảo sát địa bàn, xác định trước các nội dung, kế hoạch làm việc… Thường thì mỗi chuyến đi, anh em sẽ ở lại làm việc, giúp đỡ bà con từ 5-7 ngày”.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động giúp bà con xã Cư Elang đào mới, nạo vét kênh, mương. |
Hai buôn Vân Kiều và Ea Rớt vẫn thường bị ngập nặng vào mỗi mùa mưa, khiến hàng trăm hộ dân gặp khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất. Ngay cả việc thổi cơm hằng ngày, cũng đủ khiến các bà nội trợ lo lắng. Chị H’Mic Ajun (buôn Ea Rớt) buồn lòng: “Nhiều ngày mưa dầm dề, nước ngập vào tận nhà, vợ chồng tôi phải dậy cả đêm để tát nước. Nhiều khi bếp củi bị ướt, nhóm mãi không lên được, tôi vừa chăm con nhỏ, vừa phải canh chừng để bếp không bị tắt, vậy nhưng nhiều hôm cả nhà vẫn phải ăn cơm sống”. Gia đình ông Nguyễn Văn Công (cùng buôn Ea Rớt) cũng gặp tình cảnh khốn khổ, chỉ cần mưa vài giờ, hàng trăm gốc cà phê, hoa màu xung quanh vườn nhà ông bị ngập nặng. Dù nhiều lần ông đã đội nắng, dầm mưa, nạo vét các mương thoát nước xung quanh vườn nhưng vẫn không cải thiện được. “Không biết nước từ đâu đổ về, khiến cả vườn nhà tôi bị ngập nhiều ngày liền, có khi mưa kéo dài, nước tràn vào tận thềm nhà. Lo nhất là vườn cà phê, bởi mấy miệng ăn trong nhà đều trông chờ vào đó cả” – Ông Công nhớ lại.
Từ khi được các chiến sĩ công an đào mới, nạo vét, khơi thông dòng chảy các kênh mương thì không còn bị ngập nước nữa. Không chỉ vậy, các anh còn giúp bà con đóng cầu nhỏ để qua đường, đào đất, đắp đường nội buôn để tránh lầy lội, trơn trượt. Công việc đã vất vả, nơi ngủ nghỉ sau mỗi ngày làm việc cũng gặp không ít khó khăn. Có hôm, cả ngày nắng cháy, chiều xuống mưa xối xả khiến lán bạt (nơi ngủ nghỉ), một số đồ dùng của các anh bị ướt sũng, phải di chuyển đi điểm khác…, thế nhưng các anh vẫn vui vẻ và không một ai nghỉ làm hôm sau. Chiến sĩ Trần Đình Nguyên tâm sự: “Hôm đầu về giúp bà con, cả người em bủn rủn vì mệt, nhưng dần rồi cũng quen. Về vùng sâu, vùng xa mới thấy cuộc sống của họ còn cơ cực, thiếu thốn lắm. Mong em sẽ còn được tham gia nhiều chuyến đi ý nghĩa, thiết thực như thế này nữa”.
Ngày tạm biệt bà con Cư Elang, các chiến sĩ công an Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động cùng Công an huyện Ea Kar đã giao lưu văn nghệ, thể thao với thanh niên địa phương và trao 10 phần quà, tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn xã. Hơn 5 ngày hành quân dã ngoại về địa phương đặc biệt khó khăn này, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Nói lời chia tay, ông Nguyễn Kim Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Cư Elang xúc động: “Cám ơn các chiến sĩ công an đã không quản ngại gian khó để về giúp bà con. Thời gian tuy ngắn nhưng những việc làm, tình cảm của các anh thì người dân Cư Elang vẫn luôn nhớ mãi”.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc