Multimedia Đọc Báo in

Hòa Tiến nỗ lực đẩy lùi tệ nạn ma túy

14:24, 21/10/2015

Từng là “điểm nóng” về tệ nạn ma túy ở huyện Krông Pắc, nhưng từ khi triển khai mô hình “Xã tự quản về an ninh trật tự (ANTT) và không tệ nạn ma túy”, Hòa Tiến đã từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn.

Xã Hòa Tiến có diện tích tự nhiên khoảng 2.120 ha, dân số gần 9.000 người. Do địa bàn rộng, dân cư đông, lại phân bố không đều khiến công tác bảo đảm trật tự trên địa bàn gặp khá nhiều khó khăn. Ông Phan Quốc Bảo, Trưởng Công an xã Hòa Tiến cho biết: Thời gian trước đây, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy. Năm 2010, trên địa bàn xã có 9 người nghiện ma túy, nhưng tới giữa năm 2012 đã tăng lên 19 người, 4 đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma túy, 3 tụ điểm tiêm chích ma túy… Thực hiện Kế hoạch số 559/KH-BCĐ ngày 25-9-2012 của Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm và trật tự xã hội huyện Krông Pắc, xã Hòa Tiến đã thành lập mô hình “Xã tự quản về ANTT và không tệ nạn ma túy”.

Anh Hồ Sỹ Khanh đang sửa xe cho khách.
Anh Hồ Sỹ Khanh đang sửa xe cho khách.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và UBND xã, lực lượng công an xã cùng với ban tự quản các thôn và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn cùng phối hợp tuần tra, kêu gọi nhân dân đấu tranh, tố giác tội phạm trong từng thôn, xóm, hộ gia đình. Với phương châm “phòng là chính”, lực lượng công an xã đã đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng chống ma túy, tác hại của ma túy với nhiều hình thức như: xây dựng panô, áp phích; phát trên đài truyền thanh xã hoặc thông tin trực tiếp trong các buổi họp dân… Hằng năm, công an xã luôn phối hợp với các ngành chức năng và các thôn phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để huy động người dân cùng vào cuộc. Lực lượng công an xã còn phối hợp với các thôn, thành lập mỗi thôn 2 - 3 tổ tự quản về ANTT (7 người/tổ) để thực hiện tuần tra, kiểm soát thường xuyên, khi có việc cần là sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, công an xã đã thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nhất là số người đến lao động, làm ăn trên địa bàn để kịp thời rà soát, quản lý những đối tượng có biểu hiện nghiện chất ma túy; phối hợp cùng Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên, các hộ gia đình giáo dục con em, đặc biệt là số con em đi làm ăn ở xa tránh xa ma túy. Đồng thời công an xã cũng thường xuyên phối hợp với công an huyện trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm... Góp phần vào công tác tuyên truyền vận động phòng chống tệ nạn ma túy phải kể đến những hoạt động của Đội Công tác tình nguyện trên địa bàn xã. Đều đặn hằng tháng, 5 thành viên trong đội đến gặp gỡ, động viên những người nghiện ma túy cũng như gia đình họ hiểu rõ mối nguy hại từ ma túy, để từ đó giúp những người nghiện có thêm động lực để cai nghiện. Điển hình là trường hợp của anh Hồ Sỹ Khanh (SN 1991), ở thôn 1A - một người từng có quá khứ lầm lỗi nhưng đã quyết tâm vượt qua và làm lại cuộc đời. Học hết lớp 9, Hồ Sỹ Khanh bỏ học rồi theo chúng bạn đua đòi ăn chơi và sa vào ma túy. Để có tiền sử dụng ma túy, Khanh không chỉ trộm tiền, đồ đạc của gia đình đi bán mà còn liều lĩnh đi trộm, cướp cùng chúng bạn. Được sự vận động của chính quyền, sự động viên của gia đình và nhất là nghị lực của bản thân, Khanh đã cai nghiện thành công. Giờ đây, với một tiệm sửa chữa xe gắn máy và 2 sào cà phê, Sỹ Khanh cố gắng làm việc thật chăm chỉ với mong muốn có được cuộc sống sung túc, giúp đỡ được gia đình, người thân. Anh tâm sự: “Chính tình yêu thương của gia đình cùng sự quan tâm, giúp đỡ từ chính quyền địa phương và bạn bè cùng trang lứa là nguồn động viên lớn để tôi làm lại cuộc đời”.

Bằng những việc làm cụ thể, tình hình tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy trên địa bàn xã Hòa Tiến từng bước được đẩy lùi. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn xã chỉ còn 9 người nghiện ma túy, không phát sinh thêm người nghiện mới, 3 tụ điểm nóng về ma túy (sau chợ thôn 2B, đài tưởng niệm thôn 2A và sau nhà thờ thôn 2B) đã được xóa bỏ…

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.